Ồ ạt rao bán nhà đất hàng trăm tỷ giữa lúc thị trường ''đóng băng''

18/05/2023, 17:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bất chấp thị trường bất động sản đang "đóng băng", nhiều nhà đất hàng trăm tỷ đồng vẫn rao bán khắp các trang, diễn đàn môi giới.

Càng rao càng "ế"

Trên các diễn đàn môi giới bất động sản, chưa bao giờ việc rao bán bất động sản, các căn nhà phố, biệt thự hàng trăm tỷ đồng liên tục xuất hiện nhiều như thời điểm này. Tuy nhiên, theo các môi giới, sản phẩm bất động sản này không dễ bán bởi giá trị cao trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn như hiện nay.

Theo lời rao trên trang bán nhà, chủ căn nhà diện tích 160 m2 phố Nguyễn Đình Thi (Hồ Tây) giá 106 tỷ đồng. Hay như căn nhà mặt phố Cửa Bắc (Ba Đình) với diện tích 252 m2 giá 112 tỷ đồng; nhà mặt phố Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy) diện tích 200 m2 giá 150 tỷ đồng...

Ồ ạt rao bán nhà đất hàng trăm tỷ giữa lúc thị trường ''đóng băng'' - 1

Trang rao vặt nhan nhản thông tin bất động sản hàng trăm tỷ đồng (ảnh: N.M).

Những sản phẩm bất động sản được rao lên tới vài trăm tỷ đồng cũng xuất hiện rất nhiều. Như tòa nhà phố Thái Hà (Đống Đa) với diện tích 1.869 m2 rao bán 518 tỷ đồng; Nhà mặt phố Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội) với diện tích 661m2 bán 436 tỷ đồng; Tòa nhà 9 tầng mặt phố Tôn Đức Thắng (Đống Đa, Hà Nội) với diện tích 528 m2 với giá 485 tỷ đồng; Nhà phố Tông Đản (Hoàn Kiếm, Hà Nội) với diện tích 1.000 m2 và 4 tầng với giá 524 tỷ đồng...

Để thu hút thêm người tìm kiếm mua nhà, nhiều lời quảng cáo hoa mĩ như: nhà ở khu Tây Hồ cho giới siêu giàu. Cụ thể: nhà mặt phố Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) được rao thông tin diện tích 1.270 m2, toàn bộ là đất ở, sử dụng lâu dài, mặt tiền rộng 23 m với giá bán 600 tỷ đồng.

Hay như 5 căn biệt thự mặt phố Quảng An, Tây Hồ (Hà Nội) với diện tích 1.263 m2, các căn đều xây dựng 4 tầng với tổng giá trị 660 tỷ đồng.Theo giới thiệu của môi giới, 5 căn biệt thự nằm ở những vị trí đắc địa, một mặt phố lớn Quảng An - bờ Hồ Tây, một mặt ngõ rộng. Khu vực có thể kinh doanh 24/24, ở siêu tiện ích, đẳng cấp “siêu tài phiệt”.

Đặc biệt, môi giới nhấn mạnh đây là lô đẹp nhất của khu phố Quảng An, rất hiếm có người bán. Hơn nữa các căn biệt thự nằm ngay cạnh nhà “bầu” Kiên (ông Nguyễn Đức Kiên là cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Á Châu - PV).

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới - cho rằng, việc giao bán nhà trăm tỷ đồng không phải bây giờ mới có, nhưng thời gian gần đây diễn ra nhiều hơn do chủ những căn nhà trăm tỷ đang mắc kẹt trên thị trường bất động sản "đóng băng" và chịu không nổi áp lực đòi nợ từ ngân hàng.

"Trước đây, thị trường bất động sản thanh khoản tốt, giá tăng, đầu cơ phát triển. Hiện lãi suất ngân hàng cao, đầu cơ bất động sản không còn và nhu cầu ở thật. Tuy nhiên, nhu cầu ở thật cũng ít bởi trong điều kiện khó khăn kinh tế, vì vậy những dòng sản phẩm hàng trăm tỷ đồng càng rao càng ế", ông Lược nói.

Nguy cơ nợ xấu ngân hàng gia tăng

Theo ông Lược, doanh nghiệp bất động sản hiện đối mặt nhiều nguy cơ khi thanh khoản kém, lãi suất cao. Với lãi suất như hiện nay, doanh nghiệp bất động sản điêu đứng, thị trường đóng băng sẽ kéo theo tình trạng "chết dây chuyền" và khiến nền kinh tế càng đình đốn.

Ông Lược cho rằng, hiện nay, phần lớn nợ xấu của ngân hàng nằm ở bất động sản. Những khó khăn của ngành bất động sản đang đặt ra thách thức rất lớn cho ngành ngân hàng khi dòng vốn vào thị trường bất động sản giảm mạnh và chưa có dấu hiệu hồi phục.

Cùng với đó, áp lực đáo hạn trái phiếu còn rất lớn khi tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong năm 2023 được ước tính ở mức 235.000 tỷ đồng, trong đó phần đáo hạn của các doanh nghiệp bất động sản vào khoảng 100.000 tỷ đồng.

Để gỡ khó cho thị trường và doanh nghiệp, thời gian qua, một số ngân hàng đã phải chuyển nhóm nợ với con số hàng chục nghìn tỷ đồng cho một số doanh nghiệp bất động sản. Các ngân hàng cũng cho các doanh nghiệp vay vốn thời gian thử thách khoảng vài tháng để trả nợ, nếu không các ngân hàng sẽ chuyển nợ xuống nhóm thấp hơn.

Tuy nhiên, theo ông Lược, thị trường luôn có khủng hoảng với chu kỳ từ 5 - 7 năm, dài nhất tới 10 năm. Đối với nền kinh tế, cũng cần có khủng hoảng để triệt tiêu các doanh nghiệp yếu và chỉ những doanh nghiệp khỏe tồn tại. Cùng với đó, khủng hoảng là 'nút báo động' mạnh cho Chính phủ trong việc tiếp tục phải đối mới thể chế chính sách.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ồ ạt rao bán nhà đất hàng trăm tỷ giữa lúc thị trường ''đóng băng''