Ô Lâm là xã miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh An Giang, có đông đồng bào Khmer sinh sống với hơn 1.500 gia đình chính sách và người có công.
Tập trung chăm lo gia đình chính sách
Xã Ô Lâm, tỉnh An Giang, được thành lập theo Nghị quyết số 1654/NQ-UBTVQH15 ngày 12/6/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở sáp nhập 3 xã Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân, gồm: Lương Phi, Ô Lâm và An Tức của huyện Tri Tôn cũ.
Toàn xã có gần 1.500 gia đình chính sách, người có công với cách mạng với hơn 65% dân số là đồng bào dân tộc Khmer.
Ô Lâm có 3 Anh hùng LLVT nhân dân là bà Phan Thị Ràng, bà Neáng Nghés và Đại tá Lê Thành Cư (92 tuổi hiện đang sinh sống tại ấp Ninh Thuận); 24 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 117 thương binh, bệnh binh; 240 liệt sĩ và có trên 1.000 người có công.
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Ô Lâm thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có công; thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách dịp lễ tết, ngày Thương binh Liệt sĩ; hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng khó khăn, ưu tiên giải quyết việc làm, các chế độ về giáo dục, y tế...
Đến nay 100% gia đình chính sách trên địa bàn xã đều có cuộc sống ổn định, không còn hộ nghèo.
Bà Nguyễn Ngọc Ngân, Trưởng Phòng Văn hóa Xã hội xã Ô Lâm, tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua, địa phương luôn chú trọng và đặc biệt quan tâm công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng.
Địa phương luôn giữ vững danh hiệu “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công”; đảm bảo mức sống của người có công bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Hiện trên địa bàn xã không còn hộ người có công thuộc diện nghèo, cận nghèo.
Song song đó, thực hiện Quyết định số 22/2013 và Quyết định số 21/2024 của Thủ tướng về việc hỗ trợ nhà ở đối với người có công và thân nhân người có công, xã đã hỗ trợ trên 500 hộ. Địa phương còn vận dụng từ sự đóng góp của các nhà tài trợ cho trên 20 hộ. Đến nay, xã không còn hộ người có công gặp khó khăn về nhà ở.
Ông Trần Văn Phú, con liệt sĩ ngụ ấp An Ninh, xã Ô Lâm (tỉnh An Giang), chia sẻ: “Ngoài việc được Chính quyền địa phương quan tâm chăm lo về đời sống, gia đình tôi còn được hỗ trợ 2 lần cất nhà tình nghĩa. Lần đầu tiên cách nay hơn 20 năm. Mới đây là căn nhà trong Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trị giá 60 triệu đồng.
"Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương rất nhiều. Tôi hứa sẽ cùng con cháu tiếp tục phát huy truyền thống của gia đình, tích cực lao động sản xuất, chí thú làm ăn và tham gia các phong trào do địa phương phát động", ông Phú nói.
Làm tốt công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”
Hướng tới Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), xã Ô Lâm tổ chức các hoạt động “Uống nước nhớ nguồn” nhằm tri ân sự cống hiến, hy sinh của các Anh hùng, các thương binh, liệt sĩ và người có công.
Địa phương tiếp nhận và cấp phát kịp thời 388 suất quà của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang tặng các gia đình chính sách với kinh phí 311,6 triệu đồng; cấp phát 272 suất quà của Chủ tịch nước tặng người có công với kinh phí 82,5 triệu đồng.
Việc chăm lo thực hiện chính sách ưu đãi người có công là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Trong thời gian tới, địa phương tập trung giải quyết vướng mắc, tồn động đối với các hồ sơ đề nghị công nhận người có công được giải quyết kịp thời, chính xác; thực hiện hiệu quả các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, người có công, gia đình có công phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội.
Đặc biệt là quan tâm công tác giáo dục đào tạo, dạy nghề, vay vốn, tạo việc làm cho người có công và con em gia đình có công để cùng nhau xây dựng cuộc sống tươi đẹp hơn.