Đường hầm gió T-101. Ảnh: TASS
Mặc dù là một hình thái nhào lộn trên không nhưng “bay xoắn ốc” là một chế độ bay cực kỳ mạo hiểm. Khi máy bay thể thao , chiến đấu cơ, hay máy bay ném bom lao từ trên cao xuống theo hình xoắn ốc, phi công (hoặc tổ lái) vẫn có thể nhảy dù ra khỏi máy bay trong trường hợp gặp nạn.
Tuy nhiên, vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn với máy bay chở khách. Không có cơ hội rời khỏi máy bay, phi công sẽ làm gì để vượt qua tình trạng này? Đáng lưu ý, máy bay chở khách không thể bền và cơ động như một phi cơ chiến đấu được.
Nói như vậy không có nghĩa tất cả các máy bay chiến đấu đều vượt qua thử thách bay xoắn ốc dễ dàng. Theo hãng tin Sputnik, các chuyên gia đánh giá chiếc F-4 Phantom của Mỹ là mẫu máy bay tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không phản lực nếu xét tới “độ an toàn trong chế độ bay xoắn ốc”. Khi chiếc Phantom đột ngột lao từ trên trời xuống theo hình xoắn ốc thì chỉ có phi công dày dặn kinh nghiệm mới có thể đưa nó thoát ra khỏi tình thế nguy hiểm.
Chiếc F-14 Tomcat của Mỹ cũng là một mẫu phi cơ hoạt động khá kém trong chế độ bay xoắn ốc.
T-105 là nơi các phi cơ thử nghiệm bay xoắn ốc. Ảnh: Sputnik
Động tác xoắn ốc của trực thăng lại là một câu chuyện khác nữa. Đó chính là lý do tại sao các phương tiện bay ở Nga đều phải được kiểm tra về khả năng bay ở chế độ xoắn ốc trước khi được đưa vào biên chế. Các cuộc thử nghiệm sẽ được thực hiện trong đường hầm gió, nếu đợi tới khi thực hiện các chuyến bay thực thì mọi việc có thể đã trở nên quá muộn.
Trong lịch sử TsAGI đã ghi nhận trường hợp một loại máy bay không trải qua cuộc thử nghiệm bay xoắn ốc trong đường hầm gió T-105 trước khi được đưa vào sản xuất hàng loạt, đó là MiG-23.
Kết quả, các phi công thử nghiệm và phi công chiến đấu đã gặp vấn đề với máy bay này. Khi ở góc tấn 17 độ, MiG-23 có thể ngay lập tức rơi vào tình trạng xoáy trôn ốc mà không có lối thoát.
Ông Mikhail Golovkin - Giám đốc khoa học tại trung tâm máy bay trực thăng Nga cho hay, các thành viên của viện sau đó đã phải dành gần 1 năm tìm kiếm giải pháp “chữa bệnh” cho MiG-23. Cuối cùng, họ nghĩ ra phương án đặt những chiếc cánh nhỏ hình tam giác trên thanh thu áp suất không khí và tiến hành một số thay đổi trên bảng điều khiển máy bay.
Kết quả, phi công thử nghiệm nổi tiếng Alexander Fedotov đã điều khiển chiếc MiG-23 bay ở những góc tấn “cắt cổ” nhưng chiếc phi cơ vẫn duy trì vững chắc chế độ bay.