Đặt ra mục tiêu phấn đấu, nhiều sở GD&ĐT cũng chỉ đạo sát sao và hướng dẫn giải pháp ôn tập hiệu quả trước kỳ thi quan trọng này.
Năm học 2022 - 2023, Trường THPT Ngô Văn Cấn (Bến Tre) đặt mục tiêu bảo đảm cho học sinh nắm vững kiến thức cơ bản để thực hiện tốt các bài thi và phấn đấu nâng tỷ lệ tốt nghiệp không thấp hơn mặt bằng chung của toàn tỉnh. Học sinh có thể vận dụng kiến thức, kỹ năng đã được học tập, rèn luyện tại trường để tiếp tục tham gia học tập hoặc áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Để đạt được mục tiêu này, thầy Phó Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Thái cho biết: Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã định hướng và tổ chức để học sinh lựa chọn tổ hợp môn thi tốt nghiệp. Sau đó tiến hành xếp lớp, dạy học theo hướng phân hóa phù hợp với năng lực của các em. Việc tổ chức kiểm tra đánh giá định kỳ được thực hiện theo hình thức tập trung cho toàn khối lớp 12, thực hiện tương tự như Kỳ thi tốt nghiệp THPT để học sinh làm quen với cách thức thi, tránh sai sót.
Nhà trường cũng chủ động xây dựng kế hoạch phụ đạo học sinh yếu ngay từ đầu năm học một cách có trọng tâm, trọng điểm, không đại trà. Giáo viên bộ môn tổ chức phụ đạo cho học sinh có học lực yếu, kém theo nhóm nhỏ để bảo đảm theo sát, hướng dẫn kỹ để đạt hiệu quả cao nhất.
Cũng theo thầy Thái, kế hoạch ôn tập thi tốt nghiệp THPT được nhà trường xây dựng từ đầu năm học 2022 - 2023. Việc tăng tiết ôn tập được trường tiến hành ngay từ đầu tháng 10/2022, kéo dài đến cuối tháng 6/2023. Sau kiểm tra học kỳ II, nhà trường tiếp tục lọc những học sinh có nguy cơ không đỗ tốt nghiệp để tổ chức dạy phụ đạo, bổ trợ kiến thức. Việc này được thực hiện có cả với sự phối hợp sát sao giữa nhà trường và cha mẹ học sinh. Tổ/ nhóm chuyên môn có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, đề cương (ngân hàng câu hỏi) ôn tập chung cho toàn khối 12 và nội dung dành riêng cho việc bổ trợ kiến thức.
“Phương án thi tốt nghiệp THPT giữ ổn định giúp nhà trường có định hướng, kế hoạch ngay từ đầu để tổ chức giảng dạy, ôn tập cho học sinh hiệu quả. Ngoài ra, trường có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhiệt tình trong công tác, tâm huyết với nghề, hết lòng vì học sinh. Trong nhiều năm qua, chất lượng giáo dục của trường luôn được nâng cao. Năm học 2021 - 2022, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 100%. Đây là những tiền đề quan trọng giúp cho cả thầy và trò có nhiều động lực, phấn đấu để giữ vững và nâng cao chất lượng tốt nghiệp THPT trong năm học này”, thầy Thái chia sẻ.
Tại Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), thầy Hiệu trưởng Hoàng Minh cho hay, nhà trường triển khai ôn tập thi tốt nghiệp THPT 2 tiết/môn/tuần cho đến hết tháng 5. Sau khi có kết quả thi thử (dự kiến cuối tháng 3), trường sẽ tăng thời lượng ôn tập lên 4 tiết/tuần/môn với những học sinh có kết quả thấp.
Cùng giải pháp này, Trường THPT Phú Bài đã tổ chức hội nghị cha mẹ học sinh khối 12 để thống nhất kế hoạch ôn tập, phương án phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong nâng cao chất lượng dạy - học. Chỉ đạo tổ chuyên môn xây dựng chương trình dạy học đối với từng bộ môn đáp ứng mục tiêu vừa ôn tập kiến thức đã học và kiến thức liên quan, vừa làm đề thi thử tốt nghiệp THPT để học sinh rèn kỹ năng. Hằng tuần, lãnh đạo trường họp với giáo viên chủ nhiệm, đoàn trường, tổ trưởng chuyên môn để đánh giá tồn tại, hạn chế, từ đó có giải pháp khắc phục. Cùng với đó, tổ chức thi thử nhằm đánh giá năng lực thực sự của học sinh, giúp phân loại đối tượng khi tổ chức biên chế lớp.
“Nhà trường ưu tiên tuyển chọn giáo viên có uy tín, chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm trong ôn tập, luyện thi tốt nghiệp THPT hằng năm để giao đứng lớp. Phân công giáo viên chủ nhiệm, đoàn thanh niên quản lý nền nếp học tập của học sinh, phản ánh những trường hợp học sinh nghỉ học, học chưa tích cực đến lãnh đạo trường để có giải pháp kịp thời. Với giải pháp tổ chức ôn tập như trên, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của trường những năm qua rất ổn định, dao động từ 99,7% đến 100%”, thầy Hoàng Minh thông tin.
Thầy trò Trường THPT Phú Bài dạy học, ôn tập Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: NTCC |
Để nâng cao hiệu quả ôn tập, một trong các giải pháp được chú trọng là xây dựng ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề ôn tập. Việc này được nhiều sở GD&ĐT chỉ đạo triển khai chung, không phải chỉ là giải pháp cấp trường.
“Sở GD&ĐT yêu cầu: Định kỳ, thông qua các kỳ thi, tập huấn, đánh giá, các đơn vị tổng hợp, đối sánh để kịp thời điều chỉnh kế hoạch dạy học đảm bảo bám sát đối tượng. Có kế hoạch phân loại, tổ chức dạy học, ôn tập phù hợp theo năng lực, nguyện vọng của người học. Sắp xếp đội ngũ giáo viên có năng lực chuyên môn, có kinh nghiệm, nghiệp vụ để ôn tập cho học sinh.
Hình thành các nhóm học tập (trực tuyến, trực tiếp) phù hợp đối tượng học sinh (như nhóm học sinh mũi nhọn, nhóm học sinh khó khăn…) với vai trò hướng dẫn, giải đáp của đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm ở trường, liên trường; tổ chức đánh giá, phân tích chung”, ông Nguyễn Thế Sơn chia sẻ thêm.
Tại Bắc Ninh, ông Nguyễn Thế Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết, xây dựng ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề ôn tập đáp ứng từng giai đoạn là một trong năm giải pháp nâng cao chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 mà Sở hướng dẫn các nhà trường triển khai thực hiện. Các tài liệu này bám sát cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT, đảm bảo chất lượng để giáo viên tham khảo, học sinh có thể tự ôn tập ngay từ đầu năm học và từng giai đoạn. Cùng với đó, Sở tổ chức các hội nghị tập huấn hướng dẫn đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh, tập huấn về xây dựng ngân hàng đề thi đối với từng môn học.
Các giải pháp khác cùng được triển khai là thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về kỳ thi; nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn, hiệu quả hoạt động của đội ngũ giáo viên cốt cán; phân loại, tổ chức dạy học theo năng lực và nguyện vọng của học sinh; chú trọng công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện tại các cơ sở giáo dục.
Tại Hòa Bình, theo Giám đốc Sở GD&ĐT Bùi Thị Kim Tuyến, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, phù hợp với năng lực của từng đối tượng/nhóm đối tượng học sinh.
Các trường chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp THPT xây dựng chi tiết nội dung tài liệu ôn tập. Hệ thống câu hỏi ôn tập phải phân loại rõ từng cấp độ nhận thức. Tập trung ôn tập các nội dung kiến thức nhận biết, thông hiểu thường có trong các đề thi, đáp ứng mục đích nâng cao chất lượng của kỳ thi.
Nội dung, tài liệu ôn tập có thể tham khảo những chuyên đề, đề thi thử tốt nghiệp do các nhóm giáo viên cốt cán cấp tỉnh xây dựng hàng năm. Cũng có thể giới thiệu cho học sinh các bài giảng trực tuyến, ôn tập, hệ thống kiến thức các môn thi tốt nghiệp THPT của các thầy cô có kinh nghiệm, uy tín. Thầy cô chủ động hướng dẫn học sinh tham khảo, làm quen với cấu trúc đề thi trong quá trình dạy học và ôn tập, giúp các em nắm vững hình thức thi, cách thức làm bài thi, rèn luyện tâm lý, tạo tâm thế tốt khi tham gia kỳ thi chính thức.
Tiết dạy tiếng Anh tại Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên). Ảnh: NTCC |
Thừa Thiên - Huế ban hành một đề án nâng cao chất lượng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm học 2022 - 2023 và năm học 2023 - 2024. Đề án đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm và đưa ra mục tiêu cho kỳ thi trong hai năm kèm theo giải pháp thực hiện. Trong đó, giải pháp đầu tiên, theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT, là tăng cường công tác kiểm tra giám sát.
Cụ thể, Sở GD&ĐT sẽ tăng cường kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện kế hoạch của các đơn vị, căn cứ vào đó để xem xét thi đua, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thi tốt nghiệp THPT. Các phòng chuyên môn của Sở GD&ĐT sẽ tổ chức các nhóm giáo viên cốt cán tham gia giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn cho nhà trường nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong dạy học, ôn tập và thi tốt nghiệp, đặc biệt là các trường có kết quả điểm thi tốt nghiệp thấp trong năm học 2021 - 2022. Các chuyên viên và hội đồng bộ môn tăng cường dự đột xuất và thường xuyên giờ dạy của giáo viên, kể cả việc sinh hoạt tổ chuyên môn để góp ý, định hướng và điều chỉnh.
Cùng với đó, Sở GD&ĐT yêu cầu các chuyên viên nắm kế hoạch ôn tập phụ đạo của từng đơn vị và tổ chuyên môn; xây dựng kế hoạch môn học với mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của từng môn học. Lãnh đạo nhà trường có trách nhiệm tích cực kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch ôn tập, phụ đạo. Tổ trưởng (tổ phó)/nhóm trưởng chuyên môn có kế hoạch và tích cực dự giờ kể cả giờ ôn tập, phụ đạo nhằm rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời nội dung để phù hợp từng nhóm đối tượng.
Cùng với giải pháp trên, ông Nguyễn Tân cho biết, Sở GD&ĐT cũng triển khai đồng bộ cùng việc xây dựng chương trình, kế hoạch dạy, học phù hợp với đối tượng học sinh; đổi mới kiểm tra, đánh giá; phân loại, tổ chức dạy, học theo năng lực và nguyện vọng của học sinh. Đồng thời, tăng cường sinh hoạt chuyên môn, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ giáo viên cốt cán; xây dựng nền tảng giáo dục cho học sinh; chú trọng công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật và chú trọng hiệu quả quán triệt học tập quy chế thi tốt nghiệp THPT.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, ông Trịnh Văn Ngoãn cho biết, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các nhà trường căn cứ kế hoạch giáo dục, tiến độ thực hiện chương trình các môn học của khối 12 để chủ động xây dựng kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT và huy động toàn lực cho 2 công tác ôn tập thi.
Thời gian ôn tập chia thành nhiều giai đoạn phù hợp với tình hình thực tế và chiến lược ôn tập của đơn vị. Kế hoạch phải có phân công lãnh đạo hoặc cá nhân/tập thể phụ trách (phụ trách theo môn hoặc theo lớp). Phải tổ chức kiểm tra tinh thần, thái độ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thể hiện trong kế hoạch để kịp thời động viên, khen thưởng đối với các cá nhân, tổ chức tích cực, làm tốt; đồng thời nhắc nhở, phê bình các cá nhân, tập thể lơ là, thiếu trách nhiệm trong quá trình ôn tập.
Lãnh đạo nhà trường khi xây dựng kế hoạch cần có nội dung kiểm tra công tác ôn tập, chú ý đến dự giờ rút kinh nghiệm, điều chỉnh phương pháp dạy học tại các tổ chuyên môn để công tác ôn tập đem lại hiệu quả thực chất. Trong thời gian ôn tập, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra công tác này. Ngoài ra, Thanh tra Sở sẽ chủ động tham mưu với Ban Giám đốc tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất công tác ôn tập của các đơn vị khi cần thiết.
Tổ chức giảng dạy theo hướng phát huy năng lực người học, nếu cần thiết có thể phân nhóm học sinh theo trình độ để ôn tập cho phù hợp với đối tượng. Đối với những học sinh học lực yếu, cần tăng cường việc ôn tập kiến thức cơ bản, trọng tâm của chương trình để hướng tới mục tiêu đậu tốt nghiệp. Học sinh học lực khá giỏi, có thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi và thi Khoa học kỹ thuật cần được ôn tập các dạng đề nâng cao phù hợp với năng lực, hướng tới mục tiêu đỗ đại học. Cần đa dạng hóa các hình thức tổ chức ôn tập, như: Giáo viên hướng dẫn học sinh ôn tập trên lớp, kết hợp với ôn tập theo nhóm và tự ôn tập tại nhà. Thầy cô quan tâm kiểm tra, đánh giá kết quả ôn tập để kịp thời điều chỉnh nội dung, phương pháp ôn tập cho phù hợp… - Ông Trịnh Văn Ngoãn (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long)