“Mỗi khi tiếp xúc với bài khó, dạng lạ cần bình tĩnh để hệ thống lại kiến thức mình có. Nên rèn luyện bằng nhiều bài tập tương tự để nhớ dạng bài và tránh bị bỡ ngỡ khi bước vào kỳ thi chính thức”, thầy Nguyễn Quang Thi nhấn mạnh.
Hiện nay, nhiều học sinh đã hoàn thành chương trình học của mình và bước vào giai đoạn luyện đề. Theo thầy Nguyễn Quang Thi: “Khi luyện đề các em cần phải chú ý đến thời gian, phân bố thời gian từng câu hỏi, bấm thời gian làm.
Đối với những câu hỏi ở phần kiến thức chưa chắc các em cần đánh dấu lại để kết thúc thời gian làm đề cần nghiên cứu lại phần kiến thức đó”.
Thầy Thi cũng lưu ý, giai đoạn này áp lực do đó yếu tố tâm lý rất quan trọng, do đó học sinh muốn có tâm lý vững vàng trong quá trình ôn luyện nên thường xuyên lên bảng làm bài để giáo viên rèn luyện phương pháp giải đồng thời chỉ ra những thiếu sót từ đó ta rút được kinh nghiệm cho bản thân.
“Ngoài ra, các em nên tham gia một vài lần thi thử để làm quen dạng đề. Khi nhận đề thi thì đọc đề thật kỹ nhiều lần để tìm ra hướng giải cho từng câu, trong 90 phút để giải đề, sau đó xem lại kỹ từng câu để đúc rút kinh nghiệm, cần luyện đề kết hợp tổng ôn kiến thức, chú ý đến việc kết hợp lý thuyết trong từng phần.”, thầy Nguyễn Quang Thi nói.
Đối với những phần kiến thức khó, học sinh có thể học theo sơ đồ tư duy để khỏi quên phần kiến thức, linh hoạt từng phần kiến thức. Khi ôn tập, học sinh nên xác định kiến thức ở mức độ phù hợp với bản thân để có hiệu quả thiết thực. Nên chia sẻ những khó khăn, vướng mắc với thầy cô, bạn bè trong quá trình học tập để được giải đáp, tháo gỡ.