Cô Trịnh Bạch Yến cùng học trò của mình. |
Địa lý là môn học có kiến thức rất logic vậy nên thí sinh tập trung nhiều vào mối quan hệ nhân quả để ghi nhớ kiến thức, sắp xếp các vấn đề dựa trên bản đồ, sơ đồ logic, bảng số liệu thống kê, biểu đồ…có trên Atlat.
Theo cô Trịnh Bạch Yến, Atlat địa lý được coi là “cuốn sách giáo khoa thứ 2” của học sinh, trong Atlat có rất nhiều bản đồ, biểu đồ, các số liệu thống kê… Việc sử dụng và vận dụng tốt Atlat Địa lý giúp học sinh giảm việc học thuộc, ghi nhớ máy móc không hiệu quả, đồng thời giúp học sinh ghi nhớ kiến thức, củng cố kiến thức, có hình dung về không gian lãnh thổ tốt.
Nếu biết khai thác triệt để các thông tin trong Atlat thì sẽ truyền tải cơ bản các kiến thức của sách giáo khoa lên đó. Các câu hỏi ở mức độ nhận biết, gần như được biểu hiện rõ trên Atlat, cụ thể là ở các bản đồ đã biểu thị sự phân bố, vị trí của sự vật - hiện tượng.
“Khi sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam, người học nên theo trình tự sau: tìm hiểu cấu trúc Atlat (gồm các trang, mục nào, sắp xếp ra sao), hiểu chú giải. Quá trình làm bài, cần đọc kỹ yêu cầu của từng câu hỏi để tìm trang Atlat phù hợp và khai thác kiến thức.
“Trong thực tế, môn Địa lý có nhiều kiến thức số liệu. Tuy nhiên, trong đề thi hạn chế ghi nhớ số liệu một cách máy móc, do vậy, học sinh thi tốt nghiệp môn Địa lý không phải học thuộc số liệu, các số liệu đã có trong Atlat hoặc đề thi, học sinh cần luyện kỹ năng xử lí số liệu”, cô Yên lưu ý thêm.