Chi phí mặt bằng là một trong những áp lực lớn đối với nhiều đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống
6 tháng cuối năm là thời điểm nhiều kỳ vọng cho thị trường F&B (thực phẩm và đồ uống). Dẫu vậy, chưa hết quý III-2024, tại TP.HCM lại chứng kiến nhiều thương hiệu cả ngoại lẫn nội trả mặt bằng tại các khu đất vàng.
Sau The Coffee House, Starbucks Reserve, 2 giờ sáng ngày 19-9 là thời điểm chia tay chính thức của cửa hàng McDonald’s Bến Thành (quận 1, TP.HCM) - nơi được coi là không gian "chanh sả", "view quận 1 triệu đô" sau 10 năm gắn bó.
Dù nguyên nhân không được tiết lộ nhưng nhiều người cho rằng chính chi phí mặt bằng đắt đỏ khiến nhiều ông lớn tìm cách thay đổi kế hoạch kinh doanh.
Đại gia cũng sợ
Nhìn vào thực tế, ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty tư vấn F&BDirector và Học viện Horeca Business School, cho biết tại các thành phố lớn chi phí mặt bằng là một trong những rào cản lớn nhất đối với các thương hiệu F&B, đặc biệt là các chuỗi lớn. Trong đó, những mặt bằng tại các vị trí đắc địa có giá thuê cao sẽ gây áp lực trực tiếp lên lợi nhuận, nhất là khi doanh thu không đủ bù đắp chi phí.
Thực tế hiện nay, các tuyến đường sầm uất trung tâm TP.HCM như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Võ Văn Tần, Phan Xích Long… đang chứng kiến cảnh hàng loạt mặt bằng nằm im, bỏ trống.
Dữ liệu từ Batdongsan.com.vn cũng cho thấy giá thuê mặt bằng nhà phố TP.HCM tiếp tục có xu hướng tăng cao trong 6 tháng đầu năm nay. Các khu vực quận 1, 3, 4 và quận 2 cũ (nay là TP Thủ Đức) đều tăng 25-40%, chỉ có khu vực quận 7 giảm nhẹ hơn 4%. Điều này được cho là áp lực khiến cho các đại gia ngành F&B cũng sợ chi tiền.
“Theo quan sát từ thực tế ngành F&B, tỉ lệ chi phí mặt bằng trên doanh thu có thể phân chia như sau: Các thương hiệu có năng lực bán hàng tốt thường duy trì chi phí mặt bằng ở mức dưới 10% doanh thu. Với các thương hiệu có hiệu suất trung bình, tỉ lệ này dao động từ 15-20%. Riêng những doanh nghiệp buộc phải thuê mặt bằng giá cao nhưng doanh thu không đạt kỳ vọng, tỉ lệ chi phí mặt bằng có thể lên đến 25-30%, thậm chí là 40%.
Đây có thể là nguyên nhân khiến việc duy trì mặt bằng trung tâm trở nên vô cùng khó khăn, ngay cả với các thương hiệu lớn như McDonald’s hay Starbucks. Kết quả là họ đã phải rời bỏ các vị trí đắc địa tại trung tâm thành phố”- ông Thanh nói.
Ông Minh Phan, nhà sáng lập Site Plus, đơn vị tư vấn và phát triển cửa hàng cho các chuỗi bán lẻ và F&B cũng nhìn nhận giá thuê mặt bằng tại TP.HCM đang không theo một chuẩn nhất định.
Sự cạnh tranh giữa các thương hiệu đã thúc đẩy sự tăng giá mặt bằng, khiến cho cuộc chiến mở rộng chuỗi hoặc vị trí mặt bằng trở nên khốc liệt hơn.
Mặt bằng to không còn là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp F&B. Ảnh: THU HÀ
Dù vậy, theo ông Minh Phan, việc đóng-mở vốn là quy luật và là điều hết sức bình thường trong thị trường F&B.
“Tôi cho rằng việc McDonald’s đóng cửa chi nhánh sau 10 năm tại khu đất vàng rất có thể họ đã xong một nhiệm kỳ marketing cho mình. Khi đã đạt được mục tiêu thì họ chuyển đổi sang một nơi khác rẻ hơn và mang lại nhiều lợi nhuận hơn.
Dưới con mắt của người tiêu dùng, việc nhiều ông lớn bỏ mặt bằng vàng, đóng cửa hàng là điều gì đó lạ lùng và đáng lo ngại, thậm chí là tiêu cực, nhưng trong kinh doanh, nhất là dạng chuỗi, điều này hết sức bình thường và đã được tính toán trong kế hoạch kinh doanh.
Có chăng là kinh tế khó khăn, mọi chi phí đội giá, kể cả mặt bằng, bài toán kinh doanh, định hướng không đạt như kỳ vọng thì quá trình chuyển đổi diễn ra sớm hơn. Tuy nhiên, chung quy lại đó là cách để họ tối ưu mô hình, tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp” - ông Minh đánh giá.
Mặt bằng to vẫn lo "chết đói"
Ở góc độ kinh doanh, ông Trần Văn Trường, Tổng giám đốc của chuỗi Hải Sản Hoàng Gia, tiết lộ chuỗi của ông luôn chọn những vị trí mặt bằng đắc địa để mở. Cách làm này vừa hỗ trợ hoạt động marketing vừa tăng điểm chạm cho khách hàng.
Dù vậy nhiều năm nay, chuỗi cũng chấp nhận đóng chỗ này mở chỗ kia, nguyên nhân có thể là từ kế hoạch kinh doanh, có khi đến từ áp lực chi phí mặt bằng.
Dù vậy việc đóng bớt cửa hàng kinh doanh không hiệu quả theo ông Trường không thể phản ánh hay khẳng định ngành F&B đang đi xuống, hay doanh nghiệp đang thua lỗ. Thực tế, dù từng trả mặt bằng trung tâm nhưng doanh nghiệp của ông vẫn có doanh thu tăng trưởng đều đặn.
“Mặt bằng đất vàng rõ ràng là cách để doanh nghiệp làm thương hiệu nhưng cũng cần đi kèm với hiệu quả kinh doanh. Do đó, việc đóng chi nhánh là điều nên làm, nếu vượt quá chi phí hoạch tính ban đầu.
Hiện nay có rất nhiều cách để marketing thương hiệu, mặt bằng đắc địa không còn là phương án tối ưu khi các nền tảng mạng xã hội phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể đóng mặt bằng vị trí vàng để phát triển ở những nơi mang tiền về cho họ”- ông Trường nói.
Ông Minh Phan cũng dẫn chứng, đặc thù ngành F&B là nơi nào có khách hàng nơi đó sẽ có cửa hàng dịch vụ.
Quan trọng là tìm được công thức tối ưu, tùy vào khách hàng mục tiêu mà họ sẽ có những quyết định mở rộng hay co cụm. Nếu như một mặt bằng 500 m2 rộng rãi nhưng không mang lại doanh thu bằng chỗ chỉ rộng 150 m2 thì không tội gì mà doanh nghiệp phải choàng gánh chi phí hàng trăm triệu đồng cho nơi ít tiền cả. Số tiền quản trị từ 500 m2 đó có khi giúp họ mở được 2 -3 cửa hàng nhỏ hơn, tiền nhiều hơn. Ông Minh Phan, nhà sáng lập Site Plus |
Nhìn về tương lai của ngành, ông Đỗ Duy Thanh cũng thừa nhận thị trường vẫn sẽ tiếp tục thay đổi mạnh mẽ, bất chấp các biến động kinh tế.
Mặc dù có một số phân khúc giảm nhiệt nhưng vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng ở các lĩnh vực khác nhau. Ông dẫn chứng và dự đoán mô hình các quán ăn nhỏ và chuỗi quán ăn với mức đầu tư từ 300-500 triệu đồng vẫn sẽ phát triển mạnh, đặc biệt tại các khu vực ngoại thành và các tỉnh.
Với thị trường trà nước, mô hình Kiosk trà và cà phê với mức đầu tư từ 100-300 triệu đồng là lựa chọn tiềm năng, nhờ chi phí đầu tư thấp và khả năng vận hành linh hoạt. Hay các nhà hàng ăn uống bình dân và cao cấp tại các siêu đô thị với mức đầu tư từ 3-5 tỉ đồng sẽ tiếp tục thu hút phân khúc khách hàng cao cấp. Trong khi đó, ở các đô thị tỉnh, mức đầu tư khoảng 2,5-3,5 tỉ đồng vẫn tạo được sức hút lớn.
Trẻ hóa thị trường F&B để phát triển
Theo các đơn vị kinh doanh và chuyên gia, ngành F&B đang và sẽ chứng kiến sự trẻ hóa trong mô hình kinh doanh. Sẽ không ai ngờ rằng KFC - một chuỗi gà rán, bán đồ ăn nhanh nóng sốt lại đi bán gà giao nhanh ngay trên sóng livestream TikTok Shop.
Việc bán hàng qua livestream đã giúp doanh nghiệp bùng nổ doanh số, khi tung chiến thuật livestream thời điểm vàng của "chiếc bụng đói".
Ông Thanh cho rằng đây là một động thái khôn ngoan trong việc mở rộng kênh phân phối và giảm sự phụ thuộc vào mô hình bán hàng truyền thống.
Hay như Đảo Hải Sản, hơn một năm qua vẫn miệt mài bán hàng qua livestream trên TikTok Shop. Hiện tại, gian hàng của đơn vị này trên các sàn thương mại điện tử đã tiếp cận được hơn 23.000 khách hàng mới mua hàng và biết đến thương hiệu. Cửa hàng cũng giao hơn 55.000 đơn hàng thành công trên Tiktok Shop. Đặc biệt, doanh thu ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ vào các dịp lễ và các sự kiện khuyến mãi của sàn.
Ông Đỗ Duy Thanh nhìn nhận trong bối cảnh chi phí vận hành ngày càng cao, đặc biệt là chi phí mặt bằng, việc thay đổi chiến thuật kinh doanh như chuyển sang bán hàng qua TikTok là một xu hướng hợp lý.
Nền tảng này không chỉ giúp các thương hiệu tiết kiệm chi phí vận hành mà còn giúp tăng cường tương tác với khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ và thích ứng nhanh với xu hướng số hóa.
"Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải có kế hoạch rõ ràng và kiểm soát chặt chẽ quy trình vận hành. Nếu không quản lý tốt, việc bùng nổ doanh số từ các kênh mới như TikTok có thể gây ra tình trạng quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và thương hiệu"- ông Thanh cảnh báo.
Ông Minh Phan cũng chia sẻ trong quá trình tư vấn kinh doanh của mình, ông vẫn luôn nhấn mạnh cho các thương hiệu rằng không nên quá phụ thuộc vào một kênh kinh doanh mà nên kết hợp cả offline và online. Trong đó, việc tách bạch doanh thu giữa hai kênh cũng là điều mà các doanh nghiệp nên lưu tâm để hoạch tính chi phí đúng đắn.