Rắc rối pháp lý cũng khiến ông Trump phải hao hụt tài chính khổng lồ. Tờ The Washington Post dẫn nhiều nguồn tin nội bộ cho biết Ủy ban Hành động chính trị (PAC) Save America - cơ quan vận động cho chiến dịch tranh cử năm 2024 của ông Trump - đã phải chi hơn 40 triệu USD cho chi phí pháp lý chỉ trong nửa đầu năm nay. Theo đài BBC số tiền trên “sẽ chỉ tăng lên” và điều này sẽ tiếp tục giới hạn ngân sách mà ông Trump có thể chi cho chiến dịch tranh cử của mình.
Đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh ghép: CNN
Thử thách đặc biệt với ông Biden
Nhiều người nghĩ rằng đối thủ bị truy tố sẽ mang lại lợi thế với bên còn lại, song nhiều ý kiến phân tích rằng rắc rối pháp lý của ông Trump lại là thách thức với ông Biden.
Thách thức dễ nhìn thấy nhất, rắc rối pháp lý lại mang về lợi thế quyên góp tiền tranh cử cho phía ông Trump. Sau mỗi lần ông Trump ra trình diện tòa liên quan một vụ truy tố là đội ngũ tranh cử của ông lại thu được khoản lớn quyên góp tranh cử. Chẳng hạn chỉ hai ngày sau lần ông đến trình diện cơ quan ở sở tại hạt Fulton (TP Atlanta, bang Georgia, Mỹ) hôm 24-8 liên quan đến cáo buộc lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 ở bang Georgia, đội ngũ của ông đã vận động được số tiền khủng 7,1 triệu USD.
Nhiều chuyên gia cho rằng ông Trump có thể lợi dụng các phiên tòa để thúc đẩy một chiến dịch bắt nguồn từ những bất đồng chính trị, khiến người ủng hộ tin rằng ông đang bị chính quyền Dân chủ o ép. Thêm nữa, những phiên tòa này có khả năng sẽ chiếm sóng các mặt báo, mang đến cho ông Trump một nền tảng không chính thống để tập hợp sự ủng hộ.
Phần ông Biden, nếu chiến dịch vận động vẫn chỉ tập trung ở các nội dung bị đánh giá “kém kịch tính” như các chính sách thúc đẩy kinh tế và đầu tư cơ sở hạ tầng thì khả năng tạo sự tương phản với những rắc rối pháp lý của ông Trump và thu hút sự chú ý sẽ không nhiều, theo ý kiến chuyên gia. Tuy nhiên về mặt tích cực đối với đảng Dân chủ và ông Biden, khả năng các phiên tòa sẽ làm đậm thêm các cáo buộc nghiêm trọng với ông Trump trong tâm trí cử tri.
Có thể thấy phía ông Biden đến nay vẫn hoàn toàn giữ im lặng về chuyện ông Trumnp bị truy tố. Đội ngũ ông Biden lo ngại bất kỳ bình luận nào từ phía đương kim tổng thống có thể biến ông thành tâm điểm chỉ trích và dẫn tới làn sóng tấn công từ đảng Cộng hòa rằng các cáo buộc của tiểu bang và liên bang có động cơ chính trị.
“Bất cứ điều gì ông ấy (Biden) nói hoặc làm đều có thể bị coi là đặt ngón tay lên cán cân công lý và sẽ bị ông Trump và nhóm của ông ấy lợi dụng để gây bất lợi cho quy trình pháp lý” - chiến lược gia đảng Dân chủ Karen Finney trao đổi với hãng tin Reuters.
Về chủ trương, các cố vấn ông Biden và các đảng viên Dân chủ cấp cao cho biết sẽ kiềm chế không bình luận cho đến khi các phiên tòa có phán quyết với ông Trump, vì nếu chưa có phán quyết sẽ không bất kỳ sự thay đổi nào. Một thành viên cấp cao của đảng Dân chủ nói với Reuters rằng “một bản án sẽ thay đổi mọi thứ” và sau đó mọi người sẽ chứng kiến nỗ lực chi tiết và mạnh mẽ hơn của ông Biden nhằm giảm sự ủng hộ với ông Trump.
Chuỗi rắc rối pháp lý với ông Trump chưa dừng lại Ông Trump và nhiều thành viên gia đình ông vừa nhận phán quyết dân sự cực bất lợi với việc kinh doanh của gia đình ở New York. Ngày 26-9, tòa án bang New York phán quyết ông Trump và các con trai Donald Jr Trump, Eric Trump, Tập đoàn Trump Organization, một số giám đốc điều hành chủ chốt đã thổi phồng giá trị bất động sản và các tài sản khác của ông trên giấy tờ giao dịch, qua mặt các ngân hàng và công ty bảo hiểm nhằm có được các điều khoản vay ưu đãi và phí bảo hiểm thấp hơn. Tòa ra lệnh hủy bỏ giấy phép một số doanh nghiệp của ông Trump, bao gồm cả Trump Organization, lệnh chỉ định người quản lý để xử lý việc giải thể doanh nghiệp. Phía ông Trump kháng cáo. Chưa biết diễn biến này có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc đua của ông Trump vào Nhà Trắng nhưng có thể ảnh hưởng đến khả năng kiếm tiền của ông Trump. Nếu kháng cáo không thành công, ông Trump có thể bị tước quyền quyết định chiến lược và tài chính đối với một số tài sản quan trọng ở bang New York. |