Tổng thống Nga Vladimir Putin tại EEF. Nguồn: Vesti
Oksana Sorokina, phó giáo sư Khoa Kinh tế và Luật Tài chính của Viện Bắc Caucasus cho biết, sức hấp dẫn đầu tư của vùng này được tạo nên bởi một số yếu tố đặc trưng.
Thứ nhất , Viễn Đông có nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng như dầu, khí đốt, kim loại quý, thủy sản..., tạo cơ hội tốt cho ngành khai thác mỏ và mở ra tiềm năng tạo nhiều việc làm mới.
Thứ hai là vị trí địa lý. Viễn Đông có chung đường biên giới với các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản và các quốc gia khác quanh Vành đai Thái Bình Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, đầu tư quốc tế, liên kết logistics, vận tải (trong đó có đường biển và đường hàng không).
Thứ ba , chính phủ Nga có nhiều cơ chế hỗ trợ và ưu đãi dành cho các nhà đầu tư ở Viễn Đông. Điều này đã giúp thu hút hơn 7,7 nghìn tỷ rúp để xây dựng các doanh nghiệp mới và cơ sở hạ tầng theo thỏa thuận.
Viễn Đông vẫn còn nguồn tài nguyên khổng lồ chưa khai phá hết. Ảnh: 24rus.ru
Phát biểu tại EEF, ông Putin nhấn mạnh, sự phát triển của Viễn Đông sẽ là ưu tiên hàng đầu của Nga trong thế kỷ 21. Vai trò của Viễn Đông đối với tương lai kinh tế Nga và vị thế của nước này trong thế giới đa cực vô cùng quan trọng.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo đặc biệt lưu ý rằng, ở Viễn Đông đang có 'kho báu' tài nguyên khổng lồ chưa được khai phá hết. Nơi đây có một nửa diện tích rừng và trữ lượng vàng của Nga, chiếm hơn 70% tài nguyên cá, kim cương, cùng 30% titan và đồng của cả nước. Các các biển, đường sắt và các doanh nghiệp quan trọng nhất cũng tập trung ở đây.
"Viễn Đông có vai trò đặc biệt to lớn đối với nước Nga hiện nay và tương lai sau này, trong một thế giới đa cực" - Ông Putin nói.
Trong khi đó, tỷ lệ thăm dò tầng đất cái ở Viễn Đông mới chỉ là 35%, mở ra cơ hội lớn dành cho ngành khai thác mỏ của Nga.
Theo nhà lãnh đạo, khai phá tài nguyên ở Viễn Đông có thể cho phép Nga đảm bảo "chủ quyền tài nguyên", thúc đẩy tiến bộ khoa học và tạo ra cơ hội việc làm chất lượng cao.