Trong khi đó, cựu chỉ huy Quân đội Mỹ tại châu Âu, Tướng Ben Hodges cho rằng, vụ tấn công căn cứ hải quân ở Sevastopol cho thấy sự tính toán kỹ lưỡng của Quân đội Ukraine, bởi đây là mục tiêu có giá trị cao. Một khi cơ sở này bị hư hại sẽ khiến đối phương khó có thể duy trì hoạt động của tàu chiến với hiệu quả cao nhất trong thời gian dài.
Ông cho biết thêm rằng, các hoạt động này nhiều khả năng là một phần của kế hoạch gây sức ép kéo dài khiến Crimea trở thành nơi không an toàn đối với các lực lượng Nga. Ông lưu ý: "Xét về mặt chiến thuật, kế hoạch của Ukraine có thể muốn gây tổn thất cho hoạt động của Hạm đội Biển Đen. Còn về mặt chiến lược, Kiev muốn đẩy lùi hoàn toàn Nga ra khỏi Bán đảo Crimea. Các mục tiêu này được lồng ghép với nhau".
Tuy nhiên, giới chuyên gia chỉ ra rằng, các cuộc tấn công vào Crimea cũng có giá trị biểu tượng to lớn và nhằm mục đích làm tổn hại đến uy tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cầu Kerch là sự thể hiện về vật chất của mục tiêu này. Người đứng đầu Điện Kremlin đã ra lệnh xây dựng cây cầu 19,2km - dài nhất ở châu Âu - với chi phí khoảng 3,7 tỷ USD. Ngày 8/10/2022, một ngày trước sinh nhật Tổng thống Vladimir Putin, cây cầu đã bị tấn công khi một đoàn tàu chở nhiên liệu phát nổ và làm hư hỏng một đoạn đường lớn. Vụ tấn công thứ hai bằng xuồng không người lái nhằm vào cây cầu đã được thực hiện thành công hồi tháng 7 vừa qua.
Bất chấp những nỗ lực của Ukraine nhằm đẩy lùi Nga ra khỏi Crimea, ông Michael Petersen cảnh báo "khả năng này rất khó xảy ra nếu Kiev không đạt được bước tiến đáng kể trên thực địa". Theo nhà phân tích này, vẫn còn phải xem xét tác động lâu dài đối với Hạm đội Biển Đen cũng như khả năng khôi phục sức mạnh hải quân của Nga sau các cuộc tấn công vào Crimea.
Niềm tin đã mất?
Đã hơn một năm rưỡi kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, mọi dấu hiệu đều cho thấy cuộc xung đột đang ở ngã rẽ nguy hiểm và có thể tiếp tục kéo dài sang năm thứ ba. Mỹ và NATO luôn khẳng định sẽ hỗ trợ Kiev "chừng nào còn cần thiết".
Nhưng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lại tỏ ra lo lắng vì nhận thấy quyết tâm của phương Tây đang bắt đầu suy giảm. Ông nói rằng, ông có thể cảm nhận được điều này khi nói chuyện với những nước đối tác từng khẳng định "chúng tôi sẽ luôn ở bên cạnh các bạn". Ông bày tỏ: "Qua việc đọc, nghe và nhìn vào mắt họ, trực giác của tôi mách bảo, họ sẽ không ở đây, không sát cánh cùng chúng tôi".
Tổng thống Zelensky hy vọng vào một bước đột phá lớn trong cuộc phản công để thúc đẩy sự ủng hộ của phương Tây và nâng cao tinh thần chiến đấu của các binh sỹ. Nhưng thời gian không còn nhiều khi thời tiết dần chuyển sang mùa Thu với những cơn mưa lớn khiến mặt đất lầy lội gây khó khăn cho các phương tiện khi di chuyển. Ông nói: "Tôi cảm ơn các đối tác, cảm ơn Mỹ, EU và nhiều nước khác. Tôi rất biết ơn Tổng thống Joe Biden và Quốc hội, nhưng thực sự, chúng tôi đã chờ đợi rất lâu".
Về phía các nước phương Tây, cho tới nay, họ cung cấp vũ khí cho Ukraine theo cách tiếp cận có chừng mực nhằm giúp Kiev ứng phó với Moscow nhưng hạn chế nguy cơ leo thang thành xung đột trực tiếp với Nga. Còn tại Mỹ, các thành viên đảng Cộng hòa cực hữu tại Hạ viện đang tranh luận để cắt giảm 24 tỷ USD hỗ trợ quân sự và kinh tế mà Tổng thống Joe Biden đề xuất trong gói viện trợ bổ sung khẩn cấp dành cho Ukraine.
Nhiều quan chức Mỹ và một số nước châu Âu cho rằng, Ukraine sẽ khó giành lại toàn bộ lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát nếu như không có sự gia tăng lớn về viện trợ quân sự từ phương Tây. Một số chuyên gia phương Tây lập luận việc đóng băng xung đột và chấp nhận mất lãnh thổ sẽ mang lại lợi ích cho Ukraine thay vì phải chịu nhiều tổn thất về nhân lực và trang thiết bị.