Phải vì chất lượng và người học

Thảo Đan | 24/03/2023, 13:49
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị định số 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Nghị định 04 siết chặt quy định vi phạm vượt chỉ tiêu tuyển sinh. Cụ thể, xử lý vi phạm theo khối ngành và trường chỉ cần tuyển vượt 3% đã bị phạt (quy định cũ, mức này là 5%). Cơ sở dù không tuyển vượt theo tổng chỉ tiêu, nhưng chỉ cần vi phạm ở từng khối ngành cũng bị xử phạt. Đây có lẽ là lý do quan trọng nhất khiến con số cơ sở giáo dục đại học bị xử lý do tuyển vượt chỉ tiêu năm 2021 tăng cao kỷ lục - 78 trường.

Tuy nhiên, tình trạng trên không chỉ có trong năm 2021 mà tồn tại nhiều năm qua; đặc biệt khi số lượng trường đại học tăng lên, thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng, được quyền chọn trường. Quy định này nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người học, nhưng cũng dẫn tới tăng tỷ lệ thí sinh ảo.

Trước thực trạng đó, Bộ GD&ĐT đã có nhiều giải pháp nhưng tỷ lệ ảo vẫn ở mức trên 10%. Chưa kể sự thay đổi trong tư duy nên sinh viên sẵn sàng thôi học, chuyển trường nếu thấy không phù hợp, trường kém chất lượng.

Thí sinh ảo, trúng tuyển nhưng không nhập học, sinh viên thôi học… nên phải gọi “trừ hao” là lý do các trường giải thích cho vi phạm của mình. Nhưng câu hỏi đặt ra: Liệu có phải, dù biết sẽ vi phạm, nhiều trường vẫn tuyển vượt để bảo đảm số lượng và sẵn sàng chịu phạt?

Chúng ta chia sẻ với khó khăn của các trường, nhưng có lẽ cần thẳng thắn, kiên quyết nói không với vi phạm nói trên nếu mục đích cuối cùng hướng tới là chất lượng và người học. Tuyển vượt chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo. Ví dụ, khả năng thực tế chỉ có thể “kham” 500 sinh viên, nhưng tuyển đến 1.000 thì lấy đâu ra người dạy, cơ sở vật chất đáp ứng thế nào?

Chưa kể điều này cũng ảnh hưởng đến đầu ra, cơ hội việc làm của người học, bởi chất lượng đào tạo đã giảm còn phải cạnh tranh với nhiều người sau khi ra trường… Nếu thực sự vì người học, vì mục tiêu chất lượng, bản thân các trường sẽ có giải pháp để không vi phạm; cải tiến chương trình đào tạo, dũng cảm bỏ đi những ngành không còn phù hợp, xã hội quá ít nhu cầu...

Hiện nay, hệ thống cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam phát triển không đồng đều, quy mô đào tạo khác nhau. Có những trường lớn, uy tín, chất lượng, nhưng còn không ít trường tư thục và trường trực thuộc địa phương quy mô nhỏ và rất nhỏ, lĩnh vực đào tạo hẹp, hoạt động kém hiệu quả.

Việc một trường nào đó có tỷ lệ thí sinh ảo quá lớn, thí sinh đăng ký mà không nhập học, tỷ lệ bỏ học cũng phần nào thể hiện uy tín, chất lượng của trường. Không dễ dãi khi tuyển vượt sẽ khiến các trường này buộc phải nâng mình lên để trở thành lựa chọn đầu tiên của người học. Đó đồng thời là cú hích, đòi hỏi trường phải cải tiến chất lượng; thanh lọc những trường quá yếu kém.

Cũng phải nói rằng, hiện nay các trường ĐH của Việt Nam chủ yếu “sống” bằng học phí, dẫn tới phải tìm mọi cách để tuyển cho đủ số lượng sinh viên. Nguồn lực và cơ chế tài chính đang được cho là điểm nghẽn lớn nhất của giáo dục đại học. Đầu tư cho giáo dục đại học chưa thực sự được coi trọng.

Tỷ trọng chi ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực này tính trên tổng chi ngân sách Nhà nước cho GD&ĐT chỉ chiếm khoảng 4,6%, chỉ bằng 1/5 đến 1/6 tỷ trọng trung bình của các nước OECD và một số nước khu vực ASEAN. Do đó, đổi mới cơ chế phân bổ tài chính; tăng cường đầu tư tài chính và nguồn lực cho các cơ sở giáo dục đại học; nâng cao tỷ lệ chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học trong hoạt động GD-ĐT nói chung chính là giải pháp căn bản, lâu dài.

Bài liên quan
Hà Nội bàn giải pháp nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024
Sở GD&ĐT Hà Nội lắng nghe đề xuất, kiến nghị từ các nhà trường để cùng đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phải vì chất lượng và người học