Không chỉ quy về một mối
Nhà giáo Lê Xuân Bột. |
Theo nhà giáo Lê Xuân Bột, ở một số địa phương, việc phân cấp quản lý giáo dục hiện vẫn tồn tại “bức tường vô hình” khiến cho công tác quản lý bị “cắt khúc”, thiếu hiệu quả. Đơn cử như sở GD&ĐT, ngoài các trường THPT, thì không thể “với tay” đến các trường mầm non, tiểu học, THCS do các địa phương quản lý. Quy hoạch, phát triển mạng lưới, đầu tư cơ sở vật chất đến đội ngũ cán bộ, giáo viên ngoài tầm tay của ngành Giáo dục rõ ràng là một bất cập. Nhiều nơi xảy ra tình trạng thiếu trường lớp; thừa thiếu giáo viên cục bộ; trường học xuống cấp, người dân chất vấn sở GD&ĐT trong khi địa phương trực tiếp quản lý, đầu tư!
“Trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục đã bảo đảm sự thống nhất, xác định nhiệm vụ, phân quyền từ Trung ương đến địa phương nhưng hiện nay nhiều nơi, nhiều người vẫn chưa nắm rõ. Điều này dẫn đến tình trạng tất cả đều quy về cho ngành Giáo dục mà không tìm hiểu, chất vấn các đầu mối quản lý liên quan. Ví dụ như nhân sự ngành Giáo dục liên quan trực tiếp đến ngành Nội vụ; việc đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp, kinh phí… liên quan đến ngành Tài chính; thẩm quyền quản lý Nhà nước là UBND tỉnh, thành và quận, huyện. Sự thấu hiểu của xã hội, sự vào cuộc của các cấp, ngành, đặc biệt là các đơn vị quản lý rất cần thiết trong bối cảnh đổi mới giáo dục như hiện nay”, nhà giáo Lê Xuân Bột nhấn mạnh.
Giáo dục là ngành đặc thù, vì liên quan đến từng cá nhân, gia đình và luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Do đó, theo nhà giáo Nguyễn Quí Đôn, khi sự việc xảy ra, người ta trước tiên nghĩ đến ngành Giáo dục. Do đó, công tác tuyên truyền cần kỹ càng và tăng cường hơn nữa. “Trồng người” là quá trình lâu dài, cần có sự tác động định hướng, hợp lực đồng bộ từ nhiều phía, trong đó cốt lõi là 3 nhân tố: Gia đình - nhà trường - xã hội. Nếu mất đi một vai trò sẽ như chiếc kiềng hai chân, khó có thể đứng vững được.
Về bản chất, vấn đề phân cấp đúng và phù hợp sẽ tạo động lực cho dạy và học hiệu quả. Bởi nhà trường sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn, được tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Điều quan trọng nhất là phải đổi mới cơ chế quản lý, giám sát chất lượng công tác giáo dục sao cho chất lượng dạy - học và các dịch vụ giáo dục khác được nâng lên. Tiếp đó, phát huy tính năng động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục và trường phổ thông.
Phân quyền trong giáo dục phải được triển khai đồng bộ, từ Trung ương đến địa phương. Tinh thần là phải “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”. Có những thứ “tưởng thế nhưng không phải thế”, “quyền rơm, vạ đá” là có thật với ngành Giáo dục. Chẳng hạn, việc xóa bỏ phòng học tranh tre, nứa lá thuộc thẩm quyền của các địa phương. Hay như, việc tuyển dụng giáo viên, nhiều người vẫn nghĩ thuộc thẩm quyền của ngành Giáo dục. Để tránh những bất cập về thừa thiếu cục bộ giáo viên hoặc tuyển dụng không đúng với nhu cầu thực tiễn nên giao quyền chủ động về nhân sự cho ngành Giáo dục. - Bà Châu Quỳnh Giao (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang)