Phân hiệu trường đại học: Sẻ chia nguồn lực, tiết kiệm chi phí

Công Chương | 16/03/2022, 10:31
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bên cạnh cơ sở chính, nhiều trường đại học tại TPHCM có các phân hiệu đào tạo ở một số tỉnh thành khác.

Sinh viên phân hiệu Đại học Huế tại tỉnh Quảng Trị trong giờ thực hành kỹ thuật công nghệ điện. Sinh viên phân hiệu Đại học Huế tại tỉnh Quảng Trị trong giờ thực hành kỹ thuật công nghệ điện.

Mặc dù chất lượng đào tạo cũng như giá trị bằng cấp tốt nghiệp như nhau, nhưng điểm trúng tuyển đầu vào học tại các phân hiệu thường “mềm” hơn tại các cơ sở chính.

Điểm chuẩn mềm hơn

Hiện Trường ĐH Nông Lâm TPHCM (NLU) có 2 phân hiệu đào tạo tại tỉnh Gia Lai và tỉnh Ninh Thuận. Theo TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, kiêm Giám đốc phân hiệu Ninh Thuận, được sự quan tâm đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh Ninh Thuận, sắp tới phân hiệu Ninh Thuận được mở rộng diện tích, đầu tư trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho Đề án phát triển phân hiệu Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Ngoài việc thực hiện công tác tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học và sau đại học cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên ở các lĩnh vực là thế mạnh của NLU như Nông, Lâm, Nghiệp, Kinh tế... phân hiệu Ninh Thuận dự kiến tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên có trình độ cao đẳng, đại học trong năm 2022.

“Hai phân hiệu thực hiện phương án tuyển sinh theo Đề án tuyển sinh của NLU. Trong đó, có 4 phương thức tuyển sinh vào học tại các phân hiệu: Tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT/ Tuyển bằng kết quả đánh giá năng lực năm 2022/ Tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và tuyển bằng phương thức xét học bạ THPT.

Việc tuyển sinh và học tập tại các phân hiệu được thực hiện theo các quy chế và điều kiện của NLU. Sinh viên được học hoàn toàn 4 năm tại phân hiệu và sau khi tốt nghiệp sẽ được hiệu trưởng NLU cấp bằng đại học hệ chính quy…” - TS Trần Đình Lý thông tin.

Nói về những lợi thế khi học tại các phân hiệu so với trường chính, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho rằng: Hàng năm mức điểm xét trúng tuyển vào các phân hiệu bằng điểm sàn theo quy định của Bộ GD&ĐT. Các phân hiệu tuyển sinh với nhiều ngành nghề là thế mạnh của NLU nhưng cạnh tranh ít, cơ hội trúng tuyển cao. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo và các quy định khác giống với cơ sở chính, đồng thời việc giảng dạy chuyên ngành từ năm 3 - 4 trở đi sẽ do các thầy cô ở cơ sở chính thực hiện.

TS Trần Đình Lý trao bằng tốt nghiệp cao học cho các học viên Phân hiệu Ninh Thuận của NLU.

“Đặc biệt là chi phí, sinh hoạt phí khi các em học tại các phân hiệu rất rẻ (phí ký túc xá tại phân hiệu Ninh Thuận chỉ 40 nghìn đồng/tháng; bình quân mức sinh hoạt chưa đến 100 nghìn/ngày; không khí mát mẻ, trong lành, điều kiện học tập đầy đủ…) phù hợp với kinh tế gia đình của các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn…”, TS Trần Đình Lý chia sẻ.

Tương tự, TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (IUH) cho biết: Phân hiệu của nhà trường tại tỉnh Quảng Ngãi đang đào tạo khoảng 1.000 sinh viên. Phân hiệu vẫn dùng các phương thức và mốc thời gian tuyển sinh như cơ sở TPHCM, chỉ có khác là ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển thấp hơn cơ sở chính.

Cụ thể, năm 2022, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM tuyển sinh 46 ngành trình độ đại học. Trong đó phân hiệu của IUH tại Quảng Ngãi tổ chức tuyển sinh, đào tạo 6 ngành (Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Công nghệ kỹ thuật ô tô; Công nghệ thông tin; Kế toán; Quản trị kinh doanh) với 300 chỉ tiêu.

“Sinh viên học tại phân hiệu có nhiều ưu đãi như học phí thấp (chỉ bằng 50% của cơ sở TPHCM), không gian học tập, sinh hoạt thoải mái, ký túc xá đủ chỗ cho tất cả sinh viên. Ngoài ra, sinh viên học tại phân hiệu Quảng Ngãi có thể các phương thức linh hoạt gồm 1+3, 2+2 hoặc 4+0…”, TS Nguyễn Trung Nhân thông tin.

Theo đại diện IUH, phần lớn sinh viên theo học tại phân hiệu Quảng Ngãi đến từ các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, cũng có một số trường hợp từ TPHCM nhưng vẫn thích ra Quảng Ngãi học. Khi tuyển dụng thì các đơn vị doanh nghiệp không có phân biệt học tại phân hiệu với học cơ sở chính.

Phân hiệu Trường ĐH Nông Lâm TPHCM tại Ninh Thuận.

Mở rộng cơ hội đào tạo giáo viên

Thông tin từ Trường ĐH Sư phạm TPHCM (HCMUE), trong năm 2022, nhà trường dự kiến sáp nhập thêm 2 trường CĐ địa phương, trở thành phân hiệu trong thời gian tới.

Cụ thể, UBND tỉnh Long An vừa có văn bản gửi Bộ GD&ĐT về việc chấp thuận thành lập Phân hiệu Trường ĐH Sư phạm TPHCM tại tỉnh này trên cơ sở Trường CĐ Sư phạm Long An. Theo văn bản này, việc thành lập phân hiệu là cần thiết nhằm nâng cao năng lực đào tạo giáo viên của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Điều này góp phần tạo thuận lợi cho tỉnh trong thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học và THCS.

Trước đó, UBND tỉnh Gia Lai cũng có buổi làm việc với Trường ĐH Sư phạm TPHCM về việc chuyển đổi Trường CĐ Sư phạm Gia Lai thành Phân hiệu của trường ĐH này. Dự thảo chuyển đổi được trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện trong thời gian tới.

Nói về việc tuyển sinh của các cơ sở phân hiệu sắp tới, TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho hay: Trước mắt nhà trường chờ quyết định cho phép thành lập phân hiệu tại Long An của Bộ GD&ĐT.

Bên cạnh đó, Trường CĐ Sư phạm Long An đang đào tạo 1 ngành bậc CĐ là sư phạm mầm non. Các sinh viên này sẽ tiếp tục theo học hết chương trình CĐ. Với việc tuyển sinh mới, trường có thể xin phép để đào tạo các ngành hiện có tại cơ sở chính cho phân hiệu theo quy định. Tuy nhiên, việc tuyển sinh cụ thể còn căn cứ trên thực tế nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương.

“Phương thức tuyển sinh tại phân hiệu sẽ áp dụng tương tự như cơ sở chính. Tuy nhiên, phân hiệu có chỉ tiêu và điểm chuẩn riêng. Thường thì điểm trúng tuyển tại các phân hiệu sẽ thấp hơn cơ sở chính một chút. Tuy nhiên, bằng tốt nghiệp đều do Trường ĐH Sư phạm TPHCM cấp, có giá trị như nhau, không phân biệt phân hiệu hay cơ sở chính”, TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc chia sẻ.

“Trong bối cảnh nền kinh tế chia sẻ, các cơ sở giáo dục đại học cũng sẻ chia nguồn lực để tạo điều kiện tốt nhất cho người học. Phân hiệu của trường ĐH lớn ở TPHCM mở tại các địa phương là tạo cơ hội rất tốt cho học sinh “ăn cơm nhà, yên tâm học để lấy bằng của trường đại học danh giá”. - TS Trần Đình Lý
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phân hiệu trường đại học: Sẻ chia nguồn lực, tiết kiệm chi phí