'Pháo đài' có ngăn được kẻ xả súng?

Vân Huyền | 31/07/2022, 07:55
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Một số người đặt câu hỏi, liệu các trường học tại Mỹ có còn giống cơ sở giáo dục, khi các tòa nhà được thiết lập như pháo đài, có nhân viên canh gác mặc đồng phục và cảnh sát vũ trang?

Bà Julia McFadden - kiến trúc sư phụ trách thiết kế lại Trường Sandy Hook sau vụ xả súng hàng loạt năm 2012 - chia sẻ: “Những biện pháp đó đã tạo ra một môi trường làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu tính cộng đồng và sự hỗ trợ.

Đồng thời, làm giảm khả năng cảm thấy an toàn, lạc quan cũng như cảm xúc của mọi người”. Nữ kiến trúc sư chỉ ra những lợi ích tuyệt vời của ánh sáng, cửa sổ và thiên nhiên trong môi trường học tập. “Đây là những thứ sẽ kích thích tư duy và trí tưởng tượng của một đứa trẻ”, bà McFadden giải thích.

Trong trường hợp tại Texas, Thượng nghị sĩ Ted Cruz đã đề nghị, trường học chỉ nên có một cửa. Tuy nhiên, ông Bill Avera - thành viên Hội đồng quản trị của Trung tâm An toàn Trường học Texas, đã chỉ ra sự bất hợp lý của biện pháp này.

“Bộ luật không cho phép điều đó. Trường học không thể được xây dựng khi chỉ có một cửa ra vào”, ông Avera giải thích. Trong khi đó, Tiến sĩ Khubchandani cho rằng, việc tập trung vào thiết kế của ngôi trường là hướng đi sai. Ông chỉ ra thực tế là hơn một nửa số trường học ở Mỹ có ít nhất hai đến ba biện pháp an toàn, như camera an ninh, khóa cửa hoặc các cuộc diễn tập bắn súng.

“Hãy nhìn vào tất cả các vụ xả súng đã xảy ra trong thập kỷ qua ở các trường học. Những trường học đó đã làm chưa đủ ư? Thực tế là họ đã làm được nhiều hơn các trường học ở những quốc gia khác, nhưng vẫn tiếp tục phải chịu đựng. Các cấu trúc tòa nhà không phải là yếu tố ngăn các vụ xả súng. Kẻ tấn công thường không nghĩ nhiều về an ninh trường học”, Tiến sĩ Khubchandani nhận định.

Nơi súng nhiều hơn người

'Pháo đài' có ngăn được kẻ xả súng? ảnh 2

Các trường được khuyến khích có không gian thoáng, tạo cảm giác cởi mở.

Ông Bill Avera tin tưởng vào việc củng cố trường học. Bởi, ông hy vọng, những thay đổi có thể khiến kẻ tấn công trường học mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, khi trả lời về việc, liệu có bất kỳ biện pháp an ninh nào đã thành công ngăn chặn vụ xả súng ở trường học tại Texas hay không, ông Avera cũng không biết đáp án.

Cũng theo ông Avera, trong hầu hết trường hợp, việc thiết kế lại trường học đơn giản không phải là một lựa chọn. “Hầu hết, chúng ta không xây dựng các tòa nhà mới”, ông nói.

Trong khi đó, kiến trúc sư McFadden giải thích rằng, trong trường hợp Sandy Hook, tòa nhà của trường đã được 50 tuổi khi vụ nổ súng xảy ra. Vì vậy, quyết định xây dựng lại không hoàn toàn là sai lầm. Thực tế, ngôi trường được hưởng lợi từ việc trở nên bền vững hơn.

Nữ kiến trúc sư cho biết, mỗi cộng đồng bị ảnh hưởng bởi một vụ xả súng ở trường học phải tự suy nghĩ về việc có nên phá bỏ và xây dựng lại hoàn toàn hay không. Tuy nhiên, khi làm vậy, các trường học nên có thiết kế thể hiện sự cởi mở và chào đón, thay vì giống như một pháo đài.

“Về cơ bản, chúng ta đang vơ đũa cả nắm và nói rằng không biết cách giải quyết nguyên nhân gốc rễ của những vấn đề này. Vì vậy, các trường thường chú trọng tới cổng, hàng rào và đầu tư vào tất cả các loại thiết bị công nghệ cao. Đó là những thứ cần rất nhiều kinh phí, trừ khi được tài trợ. Đó là sự phân bổ sai nguồn lực”, bà McFadden chia sẻ.

Theo Tiến sĩ Khubchandani, hầu hết những kẻ xả súng trường học ở Mỹ đều có hồ sơ giống nhau. Những kẻ này đều là nam thanh, thiếu niên, có mối liên hệ với trường học, tự mua súng và tuyên bố ý định thực hiện hành động quyết liệt.

Ông Khubchandani cho biết: “Các cuộc diễn tập đã mô phỏng sự đổ máu của học sinh. Điều đó không tạo ra một môi trường thuận lợi cho giáo dục. Có hàng triệu trẻ em ở các trường học tại Mỹ được bảo vệ bởi cảnh sát, nhưng không có cố vấn học đường”.

Theo chuyên gia này, việc quan trọng cũng không phải là chỉ đưa ra các giải pháp can thiệp sức khỏe tâm thần. Bởi, đây cũng là điều chưa được chứng minh có liên quan đến hiệu quả ngăn chặn các vụ xả súng ở trường học hay không.

“Vương quốc Anh không xảy ra các vụ xả súng ở trường học, không phải là vì họ khỏe mạnh về mặt tinh thần. Ở Mỹ, chúng ta có số lượng súng bình quân đầu người cao nhất. Trong nước có nhiều súng hơn người. Súng hiện là kẻ giết trẻ em nhiều nhất ở Mỹ.

Đó không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Trong số các quốc gia công nghiệp phát triển, giàu có nhất như Anh, Mỹ, Canada..., nếu 10 trẻ em chết vì súng ngày hôm nay, thì có 8 trường hợp đến từ Mỹ. Tại sao điều đó có thể xảy ra?”, Tiến sĩ Khubchandani đặt câu hỏi.

Theo The Guardian
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/phao-dai-co-ngan-duoc-ke-xa-sung-post602644.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/phao-dai-co-ngan-duoc-ke-xa-sung-post602644.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Pháo đài' có ngăn được kẻ xả súng?