Pháp đang thu hồi một số sản phẩm mì, phở và hủ tiếu ăn liền của Công ty Acecook Việt Nam xuất sang thị trường này. Các sản phẩm thu hồi gồm mì tôm chua cay Hảo Hảo, hủ tiếu và phở ăn liền Ricey, mì Đệ Nhất và mì lẩu thái. Các lô bị thu hồi tại Pháp lần này có hạn sử dụng tới tháng 3, tháng 5, tháng 8 và tháng 9/2022.
Tại Pháp, Tổng cục Cạnh tranh, tiêu dùng và trấn áp gian lận (DGCCRF) thực hiện 1.000 cuộc kiểm tra hàng năm. DGCCRF quan sát thị trường kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo rằng, các thương hiệu tuân thủ hướng dẫn pháp lý thương mại và an toàn thực phẩm.
Mới đây, DGCCRF thông báo, mì tôm chua cay Hảo Hảo, hủ tiếu và phở ăn liền Ricey, mì Đệ Nhất và mì lẩu thái có nồng độ 2-chloroethanol (2- CE, chất chuyển hoá từ ethylene oxide - EO) vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn của EU.
Cơ quan chức năng Pháp yêu cầu những sản phẩm này thu hồi trước ngày 31/1/2022. Người dân được khuyến cáo trả lại cơ sở bán hàng nếu đang sở hữu một trong số sản phẩm có liên quan.
Theo Phòng thí nghiệm Phân tích Nước và Thực phẩm Phytocontrole (Pháp), ethylene oxide là một “phân tử nhỏ có đặc tính diệt nấm và diệt khuẩn. Đây là sản phẩm kiểm dịch thực vật được phân loại là chất gây ung thư, gây đột biến. Chất này được nhiều quốc gia, bao gồm Ấn Độ, Canada và Australia sử dụng để ngăn chặn sự sinh sôi của vi khuẩn, nấm men và nấm mốc trong quá trình vận chuyển thực phẩm".
Vào tháng 8, Ireland yêu cầu thu hồi mỳ Hảo Hảo và miến Good. Trong khi đó, Đức, Hà Lan... cũng ra cảnh báo rằng, một số lô sản phẩm mì Hảo Hảo, miến ăn liền Good của Acecook Việt Nam có chứa chất này.
Theo quy định của Liên Minh Châu Âu (EU) về cách tính hàm lượng của EO là giá trị gộp của cả EO và 2-CE.
Theo Viện y học ứng dụng Việt Nam: "Ethylene chlorohydrin (còn gọi là 2-chloroetanol (viết tắt 2-CE) là sản phẩm phụ trong quá trình khử trùng bằng ethylene oxide (viết tắt là EO)."
Trên trang web của Trung tâm phân tích Eurofins có bài viết với tựa đề: “Phân tích Ethylene Oxide trong nông sản và thực phẩm”.
Bài viết có đoạn: “Sơ nét về các dạng chuyển hoá từ EO: với cấu trúc dạng vòng linh hoạt, sau khi tiếp xúc với thực phẩm, hợp chất EO dễ dàng tạo thành các chất chuyển hoá với sự có mặt cùa các phân tử nước, ion clorua và bromua như ethylene glycol, 2-chloroetanol (2-CE) và 2-bromoetanol tương ứng. Quá trình này có thể xảy ra ngay khi hun trùng hoặc trong quá trình suốt quá trình sản xuất và chế biến nguyên liệu.
Đối với 2-CE, sản phẩm phân huỷ của EO, hiện chưa có đủ bằng chứng nào về đặc điểm gây ung thư của 2-CE. Tuy nhiên, vẫn có nhiều thí nghiệm cho thấy khả năng gây độc ở gen. Theo Viện Đánh giá Rủi ro Liên bang Đức - BfR (Bundesinstitut für Risikobewertung), ngày 20 tháng 11 năm 2020, đưa ra quan điểm đánh giá rủi ro từ 2-CE tương đương từ EO nhằm xem đây như một biện pháp phòng ngừa. Thực phẩm cùng với đó cũng có thể được phân loại là không an toàn dựa trên kết quả của 2-CE.
Vì vậy ở châu Âu, EO được xếp loại là một sản phẩm thuốc trừ sâu bị cấm. Việc sử dụng EO để khử trùng thực phẩm là không được phép; EO được phân loại trong nhóm 1B tương ứng về khả năng gây ung thư gây đột biến và độc tính sinh sản, và ở loại 3 về độc tính cấp tính, theo quy định Reg. 1223/2009/EC của Hội đồng châu Âu.”