Các chuyên gia khuyến cáo, không chỉ sử dụng thực phẩm đông lạnh ngoài chợ mới có hại cho sức khỏe mà ngay cả việc mua và cất trữ đồ ăn đông lạnh quá lâu của nhiều bà nội trợ cũng vô cùng nguy hiểm. Bởi thực phẩm đông lạnh để quá lâu không những làm mất chất dinh dưỡng mà còn tích tụ chất vô cùng độc hại cho cơ thể.
Thực phẩm để lâu chúng chứa nhiều mầm mống gây bệnh trong đó bao gồm virus, vi khuẩn, các chất độc hại. Trường hợp nếu người sử dụng để thực phẩm đông lạnh trong tủ lạnh quá lâu, vi khuẩn còn làm phân hủy thức ăn. Vì thế, đã có rất nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm, đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, tiêu chảy cấp… do ăn đồ ăn đông lạnh lâu ngày.
Thịt bảo quản đông lạnh bao lâu là an toàn?
Ảnh minh họa
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội: "Thịt để trong tủ đá càng lâu sẽ càng hao hụt dinh dưỡng. Do đó, thói quen để thịt quá lâu và bảo quản không đúng cách thì không chỉ hao hụt giá trị dinh dưỡng mà còn dễ phát sinh nhiều bệnh tật khi ăn”.
Vì vậy, nếu không biết cách bảo quản thịt đúng cách, những chất dinh dưỡng có trong thịt không những bị mất đi mà còn khiến thịt vô tình trở thành "thuốc độc" đối với sức khỏe con người.
Về thời gian bảo quản thịt trong ngăn đá sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Cụ thể, loại thịt khác nhau, nhiệt độ bảo quản khác nhau sẽ khiến thời gian bảo quản thịt khác nhau. Trong đó, nhiệt độ là yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất.
Cụ thể, khi bảo quản ở ngăn đông tủ lạnh với nhiệt độ -18 độ, các loại thịt sẽ bảo quản được tối đa thời gian như sau:
- Đối với sườn lợn, thịt lợn dính sườn: 4-6 tháng; thịt lợn xay: 3-4 tháng; xúc xích: 1-2 tháng.
- Thăn bò: 6-12 tháng; sườn bò: 4-6 tháng.
- Gà nguyên con: 12 tháng; gà đã chia phần: 6 tháng; gà tẩm bột chiên: 1-3 tháng.
- Thịt nai, thịt hươu: 3-4 tháng.