Reuters dẫn thông tin từ các quan chức Mỹ, Hàn Quốc và báo cáo trích dẫn từ hình ảnh vệ tinh của các nhà nghiên cứu phương Tây, kể từ tháng 8, cảng Rason đã chứng kiến các chuyến thăm của các tàu Nga có liên quan đến hệ thống hậu cần quân sự.
Chung Songhak, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chiến lược An ninh Hàn Quốc thường phân tích hình ảnh vệ tinh xung quanh Rason, cho biết kể từ cuối năm 2022, các hoạt động đã được phát hiện xung quanh ga Tumangang của Rason, nơi có các tuyến đường sắt nối với Nga.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy một cảng ở Primorsky Krai, Nga 10/2023. Ảnh: Reuters
Ông Chung cho biết thêm, nhiều toa tàu được phát hiện sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đến thăm Bình Nhưỡng vào tháng 7 vừa qua.
Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên Nga Alexander Kozlov cũng từng cho biết, khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un đến thăm Nga vào tháng 9, ông đã thảo luận về việc khởi động lại dự án hậu cần chung đang bị đình trệ ở Rason, xây dựng một cây cầu đường bộ mới nối nước này với Nga và cung cấp thêm ngũ cốc.
"Thiên đường hồi sinh"
Kể từ khi cố lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành chỉ định Rason là đặc khu vào năm 1991, thời điểm sau khi Liên Xô sụp đổ và Trung Quốc mở cửa hơn nữa, các quan chức Triều Tiên đã cố gắng thu hút đầu tư vào khu vực này.
Rason, khu vực lâu đời nhất và lớn nhất trong số 29 khu phát triển kinh tế của Triều Tiên, là trung tâm trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài của nước này.
Theo các chuyên gia và ấn phẩm của chính phủ Triều Tiên, đây là một trong những thị trường đầu tiên và lớn nhất của đất nước, nơi có mạng di động đầu tiên của nước này và là địa điểm duy nhất ở Triều Tiên hợp pháp hóa việc mua bán nhà vào năm 2018.
Theo Viện Giáo dục Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, các khu vực khác có kết quả kém do cơ sở hạ tầng yếu kém và các lệnh trừng phạt quốc tế.
Abraham Choi, một mục sư người Mỹ gốc Hàn làm việc về trao đổi tôn giáo với Triều Tiên, cho biết lần cuối ông đến thăm Rason vào năm 2015, ông đã gặp cả khách du lịch Trung Quốc và Nga.
Chuyên gia Lee Chan-woo cho rằng bất kỳ quốc gia giúp hồi sinh đặc khu kinh tế của Triều Tiên, điều đó đều mang lại một điểm sáng tiềm năng cho người Triều Tiên sau nhiều năm hạn chế vì đại dịch.
"Rason bị ảnh hưởng nặng nề hơn những nơi khác ở Triều Tiên vì nó từng nằm ở tuyến đầu của thời kỳ mở cửa", Lee nói. "Bây giờ nhiều cơ sở kinh doanh ở đó đã đóng cửa nhưng ngay khi biên giới mở cửa trở lại hoàn toàn, người Triều Tiên có thể nghĩ rằng thiên đường có thể quay trở lại".
https://soha.vn/phat-hien-chuyen-dong-bat-thuong-o-cang-nha-ga-trieu-tien-den-nga-moscow-binh-nhuong-dang-lam-gi-20231129152518392.htm