Phát huy hiệu quả 'hai cùng' trong kiểm tra định kỳ

25/02/2024, 07:23
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hiện, nhiều địa phương tổ chức kiểm tra định kỳ chung trên toàn huyện, tỉnh ở một số khối lớp, môn học.

Để triển khai kiểm tra định kỳ trên diện rộng hiệu quả, có chất lượng, thầy Trần Văn Hân - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười (Tháp Mười, Đồng Tháp) cho rằng phải phát huy được hiệu quả hoạt động của Hội đồng bộ môn cấp tỉnh để thống nhất cao trong nội dung, hình thức kiểm tra.

Có định hướng và tài liệu tham khảo được soạn thảo chất lượng, bảo đảm chiều sâu; tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động bồi dưỡng, chia sẻ chuyên môn từng môn theo cụm trường phù hợp. Kế hoạch kiểm tra định kỳ chung phải được lấy ý kiến cán bộ quản lý, giáo viên để bảo đảm tính khả thi. Ngoài ra, cần có giải pháp bảo đảm tính bảo mật đề thi.

“Khâu lựa chọn giáo viên ra đề rất khó, vì nếu đề không phù hợp mặt bằng chung của tỉnh ở một bộ môn nào đó sẽ làm ảnh hưởng đến các nhà trường, nhất là đánh giá giáo viên theo chuẩn, xếp loại viên chức cuối năm; dẫn đến thiệt thòi cho đội ngũ ngay trong nội bộ nhà trường, tỉnh. Từ đó, vô hình trung tăng áp lực giảng dạy lên giáo viên. Áp lực học tập lên học sinh cũng tăng lên”, thầy Trần Văn Hân lưu ý.

Còn theo ông Trần Tuấn Khanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, việc dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo Chương trình GDPT 2018 phải dựa trên cơ sở yêu cầu cần đạt của chương trình. Hơn ai hết, giáo viên trực tiếp giảng dạy trên lớp là người nắm rõ năng lực học tập từng học sinh.

Vì vậy, ngoài việc đánh giá thường xuyên, trong quá trình giảng dạy, việc giáo viên ra đề kiểm tra định kỳ đối với học sinh lớp mình trực tiếp giảng dạy sẽ sát, phù hợp hơn. Thông qua kết quả kiểm tra, giáo viên thu nhận được thông tin có độ tin cậy cao về khả năng tiếp nhận kiến thức từng em; từ đó đánh giá, rút kinh nghiệm làm cơ sở để điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp; đặc biệt nắm được sự tiến bộ của học sinh để giúp các em điều chỉnh phương pháp học tập.

“Tuy nhiên, trong trường hợp thật sự cần thiết, để phục vụ mục tiêu quản lý, tôi nghĩ các nhà trường/phòng/sở GD&ĐT có thể có những bài kiểm tra chung trên diện rộng để thu nhận thông tin việc thực hiện nhiệm vụ của giáo viên, từng trường để điều chỉnh cho phù hợp nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học.

Để triển khai hiệu quả việc này, cần xác định rõ mục tiêu, ý nghĩa kiểm tra diện rộng là gì (cần thu thập thông tin gì), có thật sự cần thiết không, sự đồng thuận của giáo viên, thái độ/trách nhiệm học sinh. Đặc biệt, cần đảm bảo tất cả quy trình của khâu ra đề kiểm tra theo quy định để có được đề kiểm tra chất lượng, đáp ứng mục tiêu đề ra; tổ chức coi, chấm kiểm tra nghiêm túc, khách quan, chính xác”, ông Trần Tuấn Khanh cho biết.

Cũng có những địa phương không tổ chức kiểm tra định kỳ trên diện rộng. Thông tin từ Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ, Phùng Quốc Lập, sở GD&ĐT không chỉ đạo kiểm tra định kỳ chung trên toàn huyện/tỉnh. Lý do, theo quy định, việc xây dựng chương trình, kế hoạch dạy học do các trường chủ động xây dựng và triển khai sao cho phù hợp điều kiện thực tế từng trường như: Cơ sở vật chất, đội ngũ, khả năng nhận thức của học sinh các vùng miền...

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/phat-huy-hieu-qua-hai-cung-trong-kiem-tra-dinh-ky-post672795.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/phat-huy-hieu-qua-hai-cung-trong-kiem-tra-dinh-ky-post672795.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát huy hiệu quả 'hai cùng' trong kiểm tra định kỳ