PGS.TS Nguyễn Đức Minh - Nguyên Phó Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam cho rằng, về quan điểm phát triển của dự thảo là rất đúng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Dự thảo cần được xây dựng dựa trên xu thế của thế giới cũng như tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ngành giáo dục phải quản lý về mặt giáo dục đối với các cơ sở giáo dục chuyên biệt cho học sinh khuyết tật.
Cô Trịnh Thị Lệ Thu - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học Bình Minh. |
Cô Trịnh Thị Lệ Thu - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học Bình Minh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, toàn trường hiện có 19/41 giáo viên là giáo viên hợp đồng. Trường đang bị thiếu giáo viên, thiếu nhân viên. Nhà trường đã cử giáo viên văn hóa đi bồi dưỡng về Giáo dục đặc biệt để đảm bảo công tác chuyên môn.
Nhà trường đang dạy hơn 200 học sinh khuyết tật trí tuệ, việc đánh giá chia theo nhiều cấp độ. Dù tốt nghiệp ra trường nhưng khả năng học tập ở cấp tiếp theo của các em khuyết tật gần như không có, đa số chỉ tham gia công việc gia đình. Do đó, vấn đề đầu ra cho học sinh khuyết tật của trường đang là một bài toán khó giải với nhà trường.
Bà Vũ Thị Quỳnh Hương - Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) nêu ý kiến tại tọa đàm. |
Trong dự thảo nêu rõ, về mặt quan điểm, phát triển hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm phát triển giáo dục hòa nhập theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục có chất lượng cho người khuyết tật, đặc biệt quan tâm đến các vùng khó khăn.
Phát triển một số cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật làm nòng cốt cho các vùng để bảo đảm nhu cầu giáo dục đối với người khuyết tật mà các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập chưa đủ điều kiện đáp ứng. Chuyển đổi các cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật còn lại thành trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
TS Đỗ Thị Thảo - Phó Trưởng Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. |
PGS.TS Nguyễn Xuân Hải - Trưởng Khoa Giáo dục đặc biệt Trường ĐH Thủ đô Hà Nội đánh giá cao sự chuẩn bị của nhóm biên soạn dự thảo. Ông đề nghị, khi lập quy hoạch hệ thống bên trong và bên ngoài, nhóm biên soạn cần tăng cường năng lực cho hệ thống sẵn có. Tuy nhiên, do không có biên chế vị trí việc làm nên các trường có thể đào tạo kết hợp bồi dưỡng cấp chứng chỉ cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật.
Thầy Phạm Văn Hoan - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, giáo viên dạy Giáo dục đặc biệt ở Hà Nội đa số là giáo viên văn hóa đi học lấy chứng chỉ về Giáo dục đặc biệt ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội. Việc phân bổ các trung tâm, các trường theo từng giai đoạn cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng, đảm bảo tính thực tế. Các trường chuyên biệt đang rất thiếu về cơ sở vật chất.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh ghi nhận, đánh giá cao những góp ý từ các đại biểu. |
Qua những ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, đại biểu tham dự tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh yêu cầu nhóm nghiên cứu cần lắng nghe, tổng hợp các ý kiến. Trách nhiệm của các bộ/ngành cũng như các tổ chức chính trị xã hội cần vào cuộc để góp ý hoàn thiện dự thảo. Dù khó nhưng khi xây dựng phải đảm bảo tính khả thi, thiết thực vì đây là nhóm đối tượng yếu thế. Quy hoạch phải gắn với nhu cầu thực tế và dự báo.