Rìu/bôn đá thu được tại hố khai quật. |
Tháng 1/2023, để làm rõ thêm những tính chất của di tích ở các cuộc khai quật trước đây, Bảo tàng Hà Nội đã phối hợp với Bộ môn Khảo cổ học tiếp tục khai quật với diện tích là 25m2 (5m x 5m).
Theo báo cáo của bảo tàng, ở địa tầng dày từ 63 - 98cm bị xáo trộn cục bộ, hiện tượng xáo trộn diễn ra phổ biến trong hố khai quật. Cá biệt có một dấu vết gầu múc của máy xúc ăn sâu xuống sinh thổ.
Lớp thứ hai là đất cứng màu đen, bên trong lẫn nhiều sạn sỏi đỏ son - là lớp văn hóa của di tích. Trong lớp thu được nhiều di vật thuộc văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Gò Mun và một vài mảnh gốm mang yếu tố Đồng Đậu.
Ở khu vực phía Nam hố F1 xuất lộ di vật lẫn lộn giữa sành, gốm men hiện đại và các mảnh gốm thời đại kim khí. Dù diện tích khai quật hạn chế nhưng giới khảo cổ thu được lượng di vật khá đa dạng, gồm di vật đá, đồng và gốm.
Trong đó, di vật đá thu được các loại công cụ sản xuất như rìu, bôn, đục, bàn mài, đồ trang sức 2 mảnh vòng tay. Trong đó, một mảnh mặt cắt hình chữ nhật màu trắng, một mảnh mặt cắt chữ T bằng đá ngọc màu xanh. Nhóm di vật này thể hiện quy trình chế tác trực tiếp và tại chỗ.
Đồ đá tại di tích được chế tác từ những nguyên liệu đá quý, đá bán quý như Nephrite, Spilit, Bazan. Trong đó hầu hết các di vật đá được làm từ đá có chất lượng cao, rìa lưỡi sắc và cứng. Một số di vật đang chế tác dở. Đáng chú ý, đoàn khai quật tìm thấy những nguyên liệu đá cùng chất liệu với di vật thu được.
Về di vật gốm thu được có hai màu sắc chính là nâu đỏ và xám đen. Số lượng mảnh gốm thu được khá lớn, khoảng 5.000 mảnh. Gốm mang yếu tố Gò Mun, đó là các loại đồ gốm có miệng loe bẻ ngang có trang trí hoa văn trong lòng miệng.
Các mảnh gốm có hoa văn khuông nhạc hình sóng nước của văn hóa Đồng Đậu và những mảnh gốm mang phong cách Phùng Nguyên với những đồ án như hoa văn chữ S, hoa văn chấm dải trong khung khắc vạch, văn in cuống rạ, kiểu miệng thố và miệng đứng thành dày.
Dựa trên di vật có thể thấy niên đại tương đối của di tích nằm trong thời đại kim khí, niên đại sớm thuộc văn hóa Phùng Nguyên giai đoạn điển hình, phát triển qua giai đoạn Đồng Đậu muộn và Gò Mun. Khung niên đại tuyệt đối cách ngày nay khoảng 3.800 - 3.000 năm.
Theo Bảo tàng Hà Nội, di tích đồi Đồng Dâu là một trong những di tích khảo cổ học quan trọng ở Hà Nội, góp phần quan trọng chứng minh sự hiện diện, tụ cư và phát triển trong thời đại kim khí ở Hà Nội.
Đây là một di tích cư trú có thời gian cư trú dài với tầng văn hóa dày với nhiều giai đoạn phát triển liên tục từ Phùng Nguyên đến Gò Mun và có mộ Đông Sơn.
Theo Bảo tàng Hà Nội, hiện nay các di tích khảo cổ học thời đại kim khí trên địa bàn phần lớn đã biến mất bởi quá trình đô thị hóa. Một số di tích còn có thể nghiên cứu như Vườn Chuối, Gò Hện và đồi Đồng Dâu. Đó là những di sản từ thời đại kim khí quý giá còn sót lại. Bởi vậy, cần bảo tồn và nghiên cứu kỹ càng để phát huy các giá trị di sản.