Tại hội thảo, ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nêu rõ, việc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đòi hỏi phải chuyển đổi việc khai thác, sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng ít phát thải và tăng hấp thụ khí nhà kính.
Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cũng cho biết, chuyển đổi năng lượng, thực hiện phát thải ròng bằng “0” là lựa chọn mang tính chiến lược của Việt Nam.
“Chính phủ đã và đang thực hiện các bước đi nhanh và chắc chắn. Điều này, tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và góp phần tăng lợi thế cạnh tranh về mặt dài hạn. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị về nguồn nhân lực có đủ năng lực thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp…”, ông Tấn nhận định.
Luận giải về thị trường carbon, PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, thị trường carbon về nguyên lý được xây dựng dựa trên những nguyên tắc vận hành của thị trường cạnh tranh “thuận mua, vừa bán” và đôi bên cùng có lợi.
“Phát triển thị trường carbon với sự tham gia chủ động của doanh nghiệp có một vai trò hết sức quan trọng, muốn vậy doanh nghiệp phải nắm bắt được nguyên lý vận hành của thị trường carbon và các quy định của pháp luật liên quan đến thị trường này. Từ đó, chủ động trong việc cân đối năng lực và khả năng sẵn sàng của doanh nghiệp để tham gia thị trường này khi đi vào vận hành, nhất là đăng ký tham gia trên sàn giao dịch tín chỉ carbon”, PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh đề xuất.
Tại Hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia cũng như các doanh nghiệp cũng đã phân tích những cơ hội và thách thức, đồng thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, công nghệ, đào tạo... nhằm góp sức thực thi giảm phát thải khí nhà kính.
Được biết, Hội thảo lần này nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 55 năm ngày Tạp chí Kinh tế và Dự báo phát hành số đầu tiên (tháng 10/1967).