Xuất phát từ tình hình thực tế tài chính cho giáo dục nói chung còn nhiều khó khăn, để tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục hướng nghiệp cần phải tổng hợp thế mạnh của nhiều nguồn lực. Đó là ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương, quỹ học phí, các chương trình mục tiêu và các nguồn tài trợ. Để làm tốt việc này, cần phát huy nội lực, thực hiện xã hội hóa giáo dục để từng bước xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các nhà trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Tăng cường hiệu quả thực hiện chức năng quản lí giáo dục hướng nghiệp
Giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS và THPT cho học sinh phổ thông là một hoạt động đa dạng, phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lực lượng xã hội. Chính vì vậy, việc phát huy tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục phổ thông trong việc thực hiện các chức năng quản lí giáo dục để tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học sẽ có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động.
Tổ chức, quản lí hoạt động giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS và THPT một cách khoa học, phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện giáo dục là một giải pháp quan trọng.
Việc tăng cường hiệu quả thực hiện các chức năng quản lí giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS và THPT của đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục phổ thông. Tận dụng tối đa các điều kiện cơ sở vật chất sẵn có của các nhà trường, địa phương và cộng đồng sẽ không ngừng nâng cao chất lượng công tác giáo dục hướng nghiệp theo định hướng phát triển nhân lực của địa phương.
Để tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp đạt hiệu quả, cán bộ quản lí các nhà trường cần phải có sự chủ động, sáng tạo, vận dụng để thực hiện các chức năng quản lí một cách khoa học.
Các nội dung thực hiện bao gồm thực hiện đúng các khâu của công tác quản lí hoạt động giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS và THPT. Khai thác tốt các nguồn thông tin phục vụ công tác quản lí, đảm bảo đạt được mục tiêu đã đề ra. Đồng thời, kết hợp hài hòa các điều kiện, các hoạt động ở trong và ngoài nhà trường để phục vụ cho hoạt động giáo dục hướng nghiệp.
Do tính đặc thù của hoạt động giáo dục hướng nghiệp là liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan và lực lượng xã hội nên việc tăng cường xã hội hoá hoạt động giáo dục hướng nghiệp là giải pháp tốt nhất . Mục đích nhằm vừa huy động nhiều nguồn lực xã hội vào hoạt động giáo dục hướng nghiệp, vừa giúp giải quyết những khó khăn trước mắt về tài chính, cơ sở vật chất, nhân lực để tổ chức giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.