Bên cạnh những thuận lợi kể trên, Sở GD&ĐT Quảng Trị cũng nhìn nhận những khó khăn như mạng lưới trường lớp nhỏ, nhiều điểm trường lẻ. Do vậy sĩ số học sinh/lớp thấp nên định mức giáo viên/lớp cao hơn so với định mức. Nguồn kinh phí đầu tư của nhà nước còn hạn hẹp, nguồn lực huy động từ xã hội hóa hạn chế. Cơ chế chính sách thay đổi khiến các mục tiêu và tiêu chuẩn định mức thay đổi dẫn đến thực trạng giáo viên đạt chuẩn thấp.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Trị cũng cho biết: Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, từ năm 2015 đến 2020 hầu hết các địa phương đều phải cắt giảm chỉ tiêu biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo; trong khi đó quy mô trẻ em, học sinh cấp mầm non, tiểu học ngày càng tăng. Vì vậy, hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh đều thiếu giáo viên, đặc biệt là các đơn vị thực hiện việc dạy 2 buổi/ngày theo quy định chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tỉ lệ thi đỗ tốt nghiệp THPT của tỉnh Quảng Trị còn thấp so với cả nước; sự chênh lệch về chất lượng giáo dục của các vùng miền, đặc biệt còn nhiều vùng còn khó khăn trong thực hiện tiếp cận công bằng giáo dục. Đội ngũ giáo viên đang giảng dạy ở bậc học mầm non, cấp tiểu học và cấp THCS trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định...
Dự báo giai đoạn 2022-2025, địa phương thiếu hàng trăm giáo viên. |
Đặc biệt, Chương trình giáo dục phổ thông 2018, có nhiều môn học, hoạt động giáo dục mới như môn Nghệ thuật, hoạt động; Trải nghiệm hướng nghiệp, các môn tích hợp như Lịch sử và Địa lí, khoa học tự nhiên đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo bài bản.
Khảo sát của nhóm nghiên cứu về nhu cầu của học sinh trung học đăng ký nguyện vọng vào ngành sư phạm cho thấy từ năm 2017 đến năm 2021, tỉ lệ học sinh đăng ký vào ngành sư phạm giảm. Riêng năm 2021 tỉ lệ này tăng lên 7,27%; tuy nhiên số nguyện vọng chọn ngành sư phạm làm nguyện vọng 1 ngày càng giảm; học sinh giỏi toàn diện rất ít lựa chọn ngành sư phạm.
TS Lê Thị Hương cho rằng, trước thực trạng nêu trên đặt ra nhiều “bài toán” cần giải về đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo của địa phương. Những năm qua, đã có một số công trình khoa học nghiên cứu về giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Trị nhưng chưa có công trình khoa học nghiên cứu về vấn đề xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông tỉnh Quảng Trị quy mô và có hệ thống.
Nhiều địa phương còn thiếu giáo viên, ảnh hưởng đến việc dạy học. |
Từ đó, Sở GD&ĐT chọn vấn đề “Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông của tỉnh Quảng Trị nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030” làm đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh để thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh hiện nay.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, nêu ý kiến về thực trạng đội ngũ và dự báo nhu cầu đội ngũ giáo viên trong những năm tới. Trên cơ sở thực trạng đội ngũ giáo viên hiện nay và quy mô trường lớp, học sinh, những năm tới, ngành GD&ĐT Quảng Trị dự báo giai đoạn 2022-2025, cần quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng để đảm bảo điều kiện bổ nhiệm gần 60 cán bộ quản lý, nhằm đảm bảo định mức còn thiếu và thay thế các cán bộ nghỉ hưu. Cùng với đó, cần tuyển gần 400 giáo viên các cấp.
Phát biểu kết thúc hội thảo, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Võ Văn Minh ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu; đồng thời xem xét bổ sung các ý kiến vào đề tài nghiên cứu nhằm hoàn thiện đầy đủ hơn việc xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT.