Cụ thể, Khoản 2 Điều 4 Thông tư 04 quy định: Các tiêu chí được đánh giá từ mức 1 - 3 là chưa đạt yêu cầu, từ mức 4 - 7 là đạt yêu cầu. Khoản 4 Điều 23 Thông tư 38 quy định: Chương trình đào tạo có ít nhất 80% số tiêu chí đạt yêu cầu, trong đó mỗi tiêu chuẩn có ít nhất 50% nội dung đạt yêu cầu theo kết quả đánh giá chất lượng giáo dục của Hội đồng kiểm định.
Phân tích kết quả kiểm định chương trình đào tạo cho thấy: Các tiêu chuẩn về đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên (tiêu chuẩn 6), đội ngũ nhân viên (tiêu chuẩn 7), người học và hoạt động hỗ trợ (tiêu chuẩn 8) đạt điểm trung bình theo tiêu chuẩn mức 4/7 điểm trở lên chiếm phần nhiều.
Riêng tiêu chuẩn 4 (phương pháp tiếp cận trong dạy và học), tiêu chuẩn 9 (cơ sở vật chất trang thiết bị), tiêu chuẩn 11 (kết quả đầu ra) có điểm tiệm cận mức 4 và cần cải tiến mới đạt được mức 4. Nhóm tiêu chuẩn về phát triển chương trình đào tạo tính trung bình vẫn còn các tiêu chí 1, 2, 5 phần lớn chưa đáp ứng yêu cầu ở mức tối thiểu (4 điểm). Tính trung bình theo tiêu chuẩn, 8/11 tiêu chí đạt mức dưới 4. Tiêu chí 2 của tiêu chuẩn 2 có 368/899 chương trình đào tạo được đánh giá chưa đạt yêu cầu của mức 4.
Ngoài ra có sự chênh lệch giữa kết quả tự đánh giá của cơ sở giáo dục và đánh giá ngoài, cho thấy một trong số nguyên nhân chính do năng lực tự đánh giá của đội ngũ bảo đảm chất lượng mỗi trường chưa đồng đều.
- Ông có khuyến cáo gì đến các cơ sở giáo dục ĐH từ những kết quả trên?
- Nhìn chung, kết quả cho thấy việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam đã cải thiện đáng kể theo quá trình; công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài được quan tâm và bước đầu triển khai đồng bộ tại các cơ sở giáo dục.
Nhiều đơn vị đã đầu tư nguồn lực, bao gồm nhân lực được đào tạo bồi dưỡng và nguồn lực tài chính để tạo nên bứt phá trong việc xây dựng và phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng cấp cơ sở giáo dục; đáp ứng yêu cầu triển khai các quy trình bảo đảm chất lượng theo chu trình P-D-C-A (Lập kế hoạch - Thực hiện - Kiểm tra - Điều chỉnh).
Tuy nhiên, các trường cần rà soát hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong; quản lý, sử dụng hiệu quả dữ liệu đánh giá để cải tiến chất lượng dựa trên phân tích, đối sánh; xây dựng văn hóa chất lượng, thực hiện các quy trình đảm bảo chất lượng theo chu trình P-D-C-A.
Đồng thời, rà soát và điều chỉnh chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của Khung trình độ quốc gia Việt Nam, Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT về chuẩn chương trình đào tạo và sắp đến là chuẩn cơ sở giáo dục ĐH; tạo ra hệ sinh thái học tập và nghiên cứu hỗ trợ thúc đẩy hợp tác giữa sinh viên, giảng viên và đối tác.
Trong thời gian tới, cần có chính sách để thúc đẩy cơ sở giáo dục ĐH sớm hoàn thiện và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, như: Xây dựng khung bảo đảm chất lượng giáo dục; đánh giá tác động bảo đảm tính đồng bộ trong ma trận xây dựng chính sách; sửa đổi, bổ sung, thay thế Thông tư 12, Thông tư 04 và Thông tư 38 liên quan đến quy trình, chu kỳ và bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ngày 14/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 78/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục ĐH và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 - 2030”. Mục tiêu chung là phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH và cao đẳng sư phạm Việt Nam đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng Khung bảo đảm chất lượng ASEAN, góp phần quan trọng thúc đẩy tự chủ giáo dục ĐH, nâng cao chất lượng giáo dục ĐH và cao đẳng sư phạm. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2022 - 2025 là hoàn thành hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong với mục tiêu, chính sách, nguồn lực, nhiệm vụ, kế hoạch, các quy trình và hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng được xác định rõ ràng phù hợp với sứ mạng, mục tiêu, điều kiện thực tế của cơ sở đào tạo trong từng giai đoạn trên cơ sở các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trong nước và nước ngoài.