Lúc trở về lòng ngậm những cành thơ
(Qua Hạ Long – Chế Lan Viên)
Tiếng hát con tàu là một trong những cành thơ đẹp nhất mà Chế Lan Viên dành cho miền Tây Bắc. Hồn thơ hóa con tàu tâm tưởng, hăm hở, say sưa, háo hức trong hành trình về với cuộc đời rộng lớn.
Thơ nói về chính trị một cách văn hóa sang trọng bằng ngôn từ lấp lánh những hình ảnh tân kì, mới lạ, chói lọi. Chất trữ tình – triết luận vừa lấp lánh chất trí tuệ, vừa say đắm nồng nàn, thăng hoa tạo nên những câu thơ siêu hạng, những câu thơ hay nhất của đời thơ Chế Lan Viên:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn
Hoặc:
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương
Thông qua liên tưởng, so sánh, kết nối những hình ảnh, hình tượng được thể hiện bằng những thể loại khác nhau, phong cách nghệ thuật khác nhau nhưng đều hướng tới thế giới của cái đẹp. Mỗi cá tính sáng tạo độc đáo đem đến cho miền Tây Bắc những vẻ đẹp phong phú, đa dạng, thật nhiều hương sắc, hấp dẫn, quyến rũ.
Sự so sánh, liên tưởng là đầu mối của những rung động thẩm mĩ, cần thiết để lĩnh hội vẻ đẹp bên trong của hình tượng lại vừa giúp mở rộng, đào sâu sự sống chứa đựng trong đó. Trong quá trình dạy học tác phẩm văn chương có thể phát huy liên tưởng của học sinh để khơi gợi những rung động, hứng thú, cảm xúc của người học để học sinh làm giàu thêm vốn sống, vốn văn hóa.
Khơi gợi cảm nhận mang sắc thái cá nhân trong việc chiếm lĩnhtác phẩm văn học
Nếu như nhà văn là người sáng tạo tác phẩm nghệ thuật thì người tiếp nhận, nối tiếp hành trình sáng tạo để cho nghệ thuật, cho cái đẹp tiếp tục sinh sôi phát triển đến tận cùng của sự viên mãn. Văn bản ngôn từ chỉ có một nhưng có bao nhiêu người đọc thì có bấy nhiêu tác phẩm của từng cá thể tiếp nhận. Quá trình tiếp nhận sáng tạo ở người đọc cũng chính là quá trình vận động, chuyển hóa không ngừng của cái đẹp trong tác phẩm văn chương. Người tiếp nhận “nhập cuộc”, “hóa thân” vào thế giới hình tượng trong tác phẩm không chỉ để hiểu, để cảm mà còn xem tác phẩm như là một phương tiện để nghĩ, để đối thoại với chính mình và với tác giả.
Đọc sáng tạo trở thành nhân tố kích thích sự sáng tạo để chuyển đổi tác phẩm thành một vũ trụ tình cảm, cảm xúc, tư duy hình tượng riêng của người đọc. Hành trình đó như môt cuộc viễn du vô tận thì cũng có nghĩa là công cuộc kiếm tìm, khám phá cái đẹp cũng không bao giờ hoàn tất, không bao giờ có tiếng nói cuối cùng. Nếu lịch sử sáng tác một tác phẩm văn học chỉ tính bằng tháng, bằng năm, chục năm thì lịch sử tiếp nhận phải tính đến thập niên, thế kỉ hoặc lâu hơn nữa, thậm chí suốt cả thời gian tồn tại của loài người.
Cái Đẹp được mã hóa, được lưu giữ trong những kí hiệu ngôn từ dĩ nhiên nó không thể tỏa hương, khoe sắc. Cái Đẹp được hiện lên thành hình hài, màu sắc trong sự vận động đa chiều của tiếp nhận văn học. Quá trình tiếp nhận tác phẩm văn học cũng là quá trình hình thành và phát triển năng lực thẩm mĩ của học sinh, với tư cách là người thưởng thức, người đồng sáng tạo cùng tác phẩm. Dĩ nhiên năng lực này không tồn tại một cách độc lập, cần phải đặt trong mối quan hệ với các năng lực khác mà quá trình dạy học đọc – hiểu văn bản văn học hướng tới như năng lực giao tiếp, năng lực tư duy, năng lực ngôn ngữ, năng lực giải quyết vấn đề.
Để giúp học sinh cảm nhận những giá trị thẩm mĩ được khơi gợi từ tác phẩm văn học, bồi dưỡng năng lực cảm xúc thẩm mĩ cho người học trong quá trình dạy học môn Ngữ văn thì cần phải thoát ra khỏi tình trạng độc quyền, độc tôn trong quá trình chiếm lĩnh giá trị thẩm mĩ của tác phẩm văn học. Trong giờ dạy tác phẩm văn chương, người học tiếp xúc với văn bản tác phẩm, nghiền ngẫm, đưa ra những nhận xét, đánh giá của riêng mình từ việc đối thoại.
Người học đối thoại với chính mình, đối thoại với nhân vật trong tác phẩm, đối thoại với nhà văn, đối thoại với các ý kiến khác của các bạn, của thầy, tranh luận giữa các cách hiểu, cách đánh giá… kết quả của các giờ học đó tất yếu phải là sự đa dạng do sự phân lập của các trình độ cảm thụ mà có những cách hiểu khác lạ, cách trình bày lạ và không thể có tiếng nói cuối cùng.
Tinh thần “đồng thuận”, tình trạng “đồng phục hóa” được thay bằng sự “đa nguyên”. Dĩ nhiên, những khám phá, cảm nhận riêng biệt của học sinh phải tuân thủ quy luật tiếp nhận văn học, đúng với bản chất của hình tượng nghệ thuật chứ không thể là những suy diễn tùy tiện, cứng nhắc.
Muốn vậy, giáo viên cần trang bị cho học sinh vốn tri thức khoa học về văn chương, kĩ năng phân tích, tiếp nhận văn học, kích thích tò mò, sự đam mê của người học để học sinh thực sự trở thành chủ thể tiếp nhận tích cực, chủ động. Học sinh có thể đa dạng các hoạt động chiếm lĩnh giá trị thẩm mĩ của tác phẩm bằng những phương pháp truyền thống hoặc các phương pháp hiện đại.
Chẳng hạn, khi tiếp nhận tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, học sinh có thể tiếp cận theo hướng xã hội học để nhận thấy nội dung phản ánh hiện thực, phản ánh mâu thuẫn giai cấp, tinh thần tố cáo, nội dung nhân đạo.
Cũng có học sinh khám phá tác phẩm trên phương diện quan niệm nghệ thuật về con người, điểm nhìn nghệ thuật, bút pháp tự sự… với nhiều vấn đề được đặt ra như: Chân dung gốc của Chí Phèo, khả năng tái sinh của Chí Phèo, Chí Phèo – một dư căn xã hội; đặt Chí Phèo trong hệ thống nhân vật xấu xí của Nam Cao; so sánh nhân vật Chí Phèo với AQ.
Để phát triển năng lực thẩm mĩ cho học sinh trong dạy học Ngữ văn thì sự nỗ lực, chủ quan của người thầy giáo là nhân tố có ý nghĩa quan trọng.
Người dạy văn phải có tài năng, có tình yêu đối với cái đẹp, có năng lực cảm nhận khám phá cái đẹp, nhận diện những cái đẹp còn ẩn tàng sau những con chữ câm lặng trên mặt giấy, có một tinh thần lao động bền bỉ, cần cù, khoa học để xử lí khối lượng thông tin đồ sộ, hệ thống hóa thành kho tư liệu phục vụ cho công việc giảng dạy.
Là người dạy học dĩ nhiên tài năng sư phạm là nhân tố rất quan trọng: Tổ chức, điều hành hướng dẫn học sinh học tập, rèn kĩ năng làm việc cá nhân, làm việc theo nhóm; tạo tâm thế truyền cảm hứng, kích thích sự tìm tòi sáng tạo của người học.
Tất cả năng lực, phẩm chất đó hình thành nên một “cái tôi” của giáo viên dạy văn là sự hợp thành của những nét tính cách đặc thù có sự khác biệt.
“Cái tôi” của người dạy văn là phải có tố chất nghệ sĩ để tiếp nhận, sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật ngôn từ, giải mã văn bản, tìm tòi khám phá, nhập cuộc, hóa thân, sống trong thế giới tưởng tượng của mình với những cảm xúc riêng, kí ức, khát vọng riêng để chuyển đổi tác phẩm nghệ thuật thành một vũ trụ tình cảm, cảm xúc.
Mặt khác, giáo viên dạy văn cần phải có tố chất của người làm khoa học, sử dụng thành thạo các thao tác tư duy logic, phân tích, tổng hợp, đánh giá… để khám phá bản chất của các hiện tượng, sự vật.