Ngoài ra, nhà trường thực hiện mô hình mới với chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” để trẻ được học, chơi thoả thích tại trường. Tất cả trẻ đều được tạo cơ hội học tập thông qua vui chơi và bằng nhiều cách khác nhau phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng của trẻ. Kỹ năng giao tiếp được nâng cao, trẻ mạnh dạn, tự tin cởi mở với bạn bè, với thày cô giáo và những người xung quanh...
“Trong năm học tiếp theo, nhà trường sẽ tiếp tục duy trì tốt công tác phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi và xây dựng đề án phát triển phổ cập giáo dục cho trẻ 4 tuổi”, cô Hằng cho biết.
Đầu tư nâng cao chất lượng phổ cập GDMN được các nhà trường chú trọng. Ảnh minh họa. |
Cần sự quan tâm kịp thời
Đồng tình với quan điểm của nhà giáo Nguyễn Thị Hằng, cô Nguyễn Thị Huỳnh Mai, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, cho biết những năm qua, công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi của nhà trường diễn ra tương đối thuận lợi, suôn sẻ.
Để nâng cao công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, bên cạnh quan tâm, đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, nhà trường luôn theo dõi sát sao số lượng trẻ mầm non tại địa phương và nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục mầm non với trẻ.
Hàng năm, trước đầu năm học, nhà trường tiến hành rà soát số lượng trẻ mầm non 5 tuổi tại địa phương và vận động phụ huynh cho trẻ đến trường. Giáo viên chủ động quan tâm hỏi han tình hình của gia đình, phân tích cho phụ huynh hiểu những lợi thế khi trẻ được đến trường như xây dựng kỹ năng, chuẩn bị tâm thế vào lớp 1...
Bên cạnh những thuận lợi, việc nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi còn nhiều khó khăn, đặc biệt tại các vùng nông thôn, miền núi.
Tại Trường Mầm non xã Đắk Ang, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, 100% trẻ em nhà trường là người dân tộc thiểu số, nhiều phụ huynh không có việc làm, đời sống còn bấp bênh. Do đó, việc quan tâm cho trẻ đến trường chưa cao.
Theo cô giáo Y Lót, cơ sở vật chất nhà trường còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt có một điểm trường còn thiếu nước sạch để dùng. Giáo viên phải thường xuyên đến từng nhà vận động phụ huynh cho trẻ ra lớp và đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của chương trình mẫu giáo lớp 5 đối với trẻ và học phổ thông sau này.
“Những năm qua, được sự quan tâm của địa phương, việc phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi của trường dần khởi sắc. Tuy nhiên, các trường mầm non vùng nông thôn, miền núi còn nhiều khó khăn, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời và chính sách đặc biệt để nâng cao chất lượng GDMN nói chung và cho trẻ em 5 tuổi”, cô Y Lót bày tỏ.