Giáo dục

Phổ cập mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi: Cần chính sách đột phá

27/06/2024 11:28

Để hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 3 - 5 tuổi vào năm 2030, các tỉnh vùng cao Tây Bắc cần có những chính sách đột phá...

Kết hợp nội lực và ngoại lực

Tỉnh Điện Biên là 1 trong 15 địa phương thực hiện thí điểm phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) theo Dự thảo Nghị quyết về thí điểm PCGDMN cho trẻ mẫu giáo một số tỉnh, thành phố.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Điện Biên hoàn thành PCGDMN cho trẻ mẫu giáo 3 - 5 tuổi. Song để “cán đích”, các trường ở khu vực vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn còn nhiều rào cản phải nhanh chóng tháo gỡ.

Huyện Mường Chà (Điện Biên) hiện có 13 trường mầm non với 54 điểm trường lẻ, 167 nhóm, lớp. Trong đó, 52 điểm trường lẻ có trẻ 5 tuổi theo học. Toàn huyện có 3.673/4.641 trẻ trong độ tuổi mầm non được học tại cơ sở giáo dục, đạt 79,1%. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp là 955/1.923 trẻ, đạt 49,7%. Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%.

Chia sẻ về công tác tuyên truyền, vận động người dân đưa con đến lớp, cô Lò Thị Pản - giáo viên Trường Mầm non Mường Mươn số 2 (Mường Chà, Điện Biên) đề cập đến những khó khăn điển hình: Địa hình hiểm trở, bất đồng ngôn ngữ. Thậm chí, phụ huynh thờ ơ, không quan tâm đến quyền lợi của trẻ. Một số em không được cha mẹ làm giấy khai sinh nên không hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Trên địa bàn xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỷ lệ huy động trẻ 3 - 5 tuổi đạt 100%, nhưng trẻ trong độ tuổi nhà trẻ chưa cao. Cô Nguyễn Thị Lan Hương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Mường Mươn số 2 cho biết: Phổ cập trẻ mẫu giáo 3 tuổi gặp khó khăn hơn vì nhận thức một bộ phận người dân chưa cao. Nhiều người cho rằng, có ông bà ở nhà trông cháu nên không cần đưa trẻ ra lớp. Dù đã tích cực tuyên truyền nhưng kết quả chưa khả quan.

“Để phổ cập GDMN trẻ 3 - 5 tuổi, cần sự kết hợp nội và ngoại lực. Nhà trường mong có chính sách hỗ trợ cho giáo viên cắm bản đi điều tra phổ cập. Cùng đó, chính quyền địa phương quan tâm hơn trong việc kết hợp cùng điều tra, tuyên truyền vận động học sinh đến trường, có chế tài ngăn chặn tình trạng tảo hôn tránh ảnh hưởng đến công tác phổ cập”, cô Hương bày tỏ.

PCGDMN cho trẻ từ 3 – 5 tuổi là chủ trương đúng đắn, bảo đảm quyền lợi trẻ em, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu đại đa số người dân. Tuy nhiên, từ thực tế huyện Mường Chà, ông Trần Hồng Quân - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Chà cho rằng, các cấp, ngành cần có chính sách đồng bộ để đáp ứng yêu cầu cơ sở vật chất trường, lớp học, đội ngũ giáo viên.

Đồng quan điểm bà Trần Thị Thúy - Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên thông tin: “PCGDMN cho trẻ từ 3 - 5 tuổi, 2 yếu tố quan trọng nhất là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên”. Ngoài ra, bà Thúy nhấn mạnh cần có thêm chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ vì yếu tố này vô cùng tích cực để huy động trẻ ra lớp, đảm bảo tỷ lệ chuyên cần.

Cô trò Trường Mầm non Chiềng Sinh, TP Sơn La (Sơn La). Ảnh: Hà Hoàng.
Cô trò Trường Mầm non Chiềng Sinh, TP Sơn La (Sơn La). Ảnh: Hà Hoàng.
Giáo viên Trường Mầm non Mường Mươn số 2, huyện Mường Chà (Điện Biên) vận động học sinh đến lớp. Ảnh: Hà Thuận
Giáo viên Trường Mầm non Mường Mươn số 2, huyện Mường Chà (Điện Biên) vận động học sinh đến lớp. Ảnh: Hà Thuận

Thúc đẩy giải pháp tạo đột phá

Phát huy kết quả đạt được giai đoạn trước, trên cơ sở khắc phục tồn tại, khó khăn, thời gian qua ngành GD-ĐT tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT có biện pháp giữ vững tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%. Tổ chức lớp học 2 buổi/ngày đạt 100%, đảm bảo phân công đủ giáo viên dạy lớp 5 tuổi đạt chuẩn và trên chuẩn, đủ phòng học và thiết bị giảng dạy cho học sinh từ 3 - 5 tuổi.

Ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La cho biết: “Sở đang phối hợp với chính quyền địa phương phát triển mạng lưới trường lớp theo hướng chuẩn hóa. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chăm sóc giáo dục trẻ. Quan tâm đầu tư thiết bị dạy học hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục”.

Cũng theo ông Hoàng, để triển khai tốt công tác PCGDMN, sở thường xuyên tập huấn, đổi mới phương pháp giảng dạy cho giáo viên. Chỉ đạo các nhà trường nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ. Mặt khác đẩy mạnh tuyên truyền, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng, gia đình về vai trò, vị trí của giáo dục mầm non trong hệ thống giáo dục quốc dân và phát triển nguồn nhân lực.

Tại Mường Tè (Lai Châu), trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp chỉ đạt 28,7%. Ông Tống Thanh Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Tè đánh giá: Những năm qua, quy mô trường, lớp được đầu tư, phát triển, toàn bộ các điểm bản có lớp mầm non. Đội ngũ cán bộ quản lý cơ bản đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, điều kiện kinh tế và trình độ nhận thức của người dân…

Từ thực tế này, ngành GD-ĐT huyện Mường Tè đã đề ra nhiều giải pháp đột phá trong công tác PCGDMN cho trẻ 3 – 5 tuổi. Cụ thể, tập trung rà soát số, chất lượng phòng lớp học hiện có. Lên kế hoạch tham mưu, tu sửa, xây dựng mới để đảm bảo đủ số lượng phòng học cho trẻ mẫu giáo 3 - 5 tuổi đạt tỷ lệ ít nhất 1 phòng học/lớp; xây kiên cố hoặc bán kiên cố, an toàn, trong đó có phòng sinh hoạt chung bảo đảm diện tích tối thiểu 1,5m2/trẻ.

Cùng đó, chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác kiểm kê đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu. Khai thác sử dụng, bảo quản hiệu quả tài sản, thiết bị, dụng cụ hiện có; rà soát bổ sung mua sắm hằng năm. Yêu cầu các đơn vị tiếp tục tham mưu với chính quyền địa phương, phối hợp với phụ huynh để có sân chơi xanh, sạch, đẹp. Làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục để có nguồn nước sạch, hệ thống thoát nước; đủ công trình vệ sinh thuận tiện, bảo đảm vệ sinh.

“Với đội ngũ nhà giáo, chúng tôi thực hiện đảm bảo chi trả chế độ chính sách theo quy định. Tạo điều kiện để giáo viên đi học nâng cao trình độ, tăng cường tổ chức các đợt bồi dưỡng, tham quan học tập chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn. Căn cứ vào số lượng giáo viên và trẻ các độ tuổi hằng năm để duyệt kế hoạch trường lớp, ưu tiên mở các lớp mẫu giáo, đảm bảo tỷ lệ giáo viên theo quy định”, ông Tống Thanh Sơn chia sẻ.

“Để nâng cao hiệu quả công tác PCGDMN cho trẻ từ 3 - 5 tuổi, nhà trường đã đổi mới phương thức quản lý, giảng dạy. Quan tâm bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên để chăm sóc và truyền tải kiến thức cho trẻ. Tuy nhiên, ngành Giáo dục địa phương cần tiếp tục xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tuyển dụng đội ngũ giáo viên mầm non.

Như vậy mới đủ về số lượng, đạt chuẩn chức danh nghề nghiệp, có chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện chương trình giáo dục mầm non bảo đảm chất lượng, hiệu quả theo xu thế phát triển”, cô Đinh Thị Sen - Hiệu trưởng Trường Mầm non Chiềng Mung, huyện Mai Sơn (Sơn La) kiến nghị.

Bài liên quan
Phổ cập mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi: Cơ hội phát triển toàn diện
Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi sẽ tạo kiệu cho trẻ tiếp cận sớm với giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phổ cập mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi: Cần chính sách đột phá