Phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi: Động lực để nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ

Hà An | 19/03/2023, 19:27
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nỗ lực tạo sự đổi thay, đến nay giáo dục mầm non (GDMN) đã có bước phát triển khá toàn diện về quy mô, mạng lưới trường, lớp.

GDMN công lập được sắp xếp phù hợp với khả năng của địa phương, GDMN ngoài công lập được tạo điều kiện để phát triển đa dạng hóa loại hình trường lớp.

Kết quả đáng ghi nhận

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN, Bộ GD&ĐT: Hàng năm, có trên 5,3 triệu trẻ mầm non được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại 15.480 trường mầm non và trên 16.000 cơ sở độc lập. Tỷ lệ trường mầm non ngoài công lập chiếm 21,3%, tỷ lệ trẻ em ngoài công lập chiếm 23,2%. Cả nước có 51,4% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ được nâng cao hơn so với giai đoạn trước.

Toàn quốc đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non trẻ năm tuổi (PCGDMNTNT) vào năm 2017 là động lực và nền tảng để bậc học này duy trì và nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Các năm gần đây tập trung duy trì, củng cố thành quả của PCGDMNTNT và bước đầu nâng cao chất lượng công tác PCGDMNTNT tạo điều kiện cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được phát triển toàn diện, sẵn sàng vào học lớp một.

Phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi: Động lực để nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ ảnh 1

Phiên chợ quê của trẻ mầm non vùng cao huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Việc thực hiện mục tiêu Phổ cập GDMNTNT, GDMN được sự quan tâm lớn của cả hệ thống chính trị, các cấp lãnh đạo, các tổ chức đoàn thể từ Trung ương tới địa phương và sự quan tâm của các bậc cha mẹ. Các tỉnh, thành phố đã huy động các nguồn lực để mở rộng, chuẩn hóa mạng lưới trường/lớp mầm non, đầu tư xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Các điều kiện về cơ sở vật chất cho lớp mẫu giáo 5 tuổi được tăng cường theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa. Nhiều địa phương quan tâm sắp xếp mạng lưới trường, lớp; rà soát quy hoạch đất đai, tạo quỹ đất để xây dựng trường; đầu tư mở rộng diện tích cho các trường mầm non;. Cùng với đó là việc đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho trường mầm non, giao quỹ đất ở các khu đô thị mới, có chính sách ưu đãi cho thuê đất để mở thêm các trường tư thục nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ và PCGDMNTNT.

Lợi ích của PCGDMNTNT đã tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội; các bậc cha mẹ và cộng đồng hưởng ứng tích cực; huy động được nhiều nguồn lực xã hội để đầu tư, tạo điều kiện cho sự nghiệp GDMN tốt hơn, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu PCGDMNTNT. Thực tế cho thấy, ở khắp các vùng miền trên cả nước, PCGDMNTNT đã tạo sự chuyển biến về chất và lượng không chỉ duy trì mà góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dạy và giáo dục trẻ mầm non.

Động lực tạo sự đổi thay

PGS.TS Nguyễn Bá Minh cho rằng: Từ khi triển khai PCGDMNTNT (năm 2011), đến nay số lượng, chất lượng phòng học thay đổi theo hướng tích cực: so với 10 năm trước, từ chỗ chỉ có 130.000 phòng học chung, phần lớn là phòng tạm, tranh tre, nứa, lá, chỉ có 42% phòng kiên cố; đến nay đã có 206.588 phòng học chung, đảm bảo 01 phòng/01 lớp mẫu giáo 5 tuổi.

Phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi: Động lực để nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ ảnh 2

Giáo dục trẻ hiểu về luật lệ giao thông tại các hoạt động ngoại khóa ở trường mầm non.

Trong đó 165.200 học chung (80%) được kiên cố hóa (tăng 38% so với năm 2010, 13,8% so với năm 2016), phòng học cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi, chủ yếu đã được đầu tư kiên cố; còn lại đang là phòng học bán kiên cố (18,6%), mượn, tạm (1,4%). Sự ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là nhân dân ở một số địa phương đã hiến đất, tiền của để xây dựng trường, lớp, thiết bị giáo dục, góp phần vào thành công của PCGDMNTNT.

Chính sách cho giáo viên dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt hợp lý hơn… góp phần nâng cao đời sống, giáo viên phấn khởi, yên tâm gắn bó với nghề. Gần đây, Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương bổ sung 38.925 biên chế GVMN giai đoạn 2022-2026. Năm học 2022-2023 tạm giao 13.015 biên chế GDMN. Hiện tại, đội ngũ GVMN nói chung, vị thế của GVMN trong gia đình và xã hội từng bước được tôn trọng, khẳng định.

Đi đôi với phát triển về số lượng với tỷ lệ huy động trẻ huy động ra lớp tăng lên hàng năm. Nhà nước thực hiện chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và hỗ trợ ăn trưa cho trẻ 3,4,5 tuổi ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em con hộ nghèo và cận nghèo, trẻ khuyết tật. Miễn học phí cho trẻ em mầm non 5 tuổi ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.

Các chế độ hỗ trợ trẻ em, hỗ trợ các trường tổ chức nấu ăn cho trẻ, đặc biệt chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ đã thực sự tác động mạnh mẽ tới tỷ lệ huy động trẻ ra lớp và tỷ lệ chuyên cần, cải thiện chất lượng GDMN, giảm thiểu thiệt thòi cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vùng núi cao, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi công tác PCGDMNTNT ở các địa phương vùng khó khăn.

Chương trình GDMN được thực hiện ở tất cả các cơ sở GDMN, thực sự góp phần bảo đảm chất lượng GDMN. Trẻ em mẫu giáo 5 tuổi trong các cơ sở GDMN được nuôi dạy, chất lượng bữa ăn được đảm bảo, an toàn về thể chất và tinh thần; các tỷ lệ trẻ em được học 2 buổi/ngày, tỷ lệ trẻ ăn bán trú tăng hàng năm, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ mẫu giáo 5 tuổi giảm, trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được chuẩn bị tốt các điều kiện sẵn sàng vào học lớp một.

Đội ngũ giáo viên được quan tâm cho công tác PCGDMNTNT, Chính phủ đã ưu tiên bổ sung GVMN đảm bảo định mức số lượng giáo viên theo quy định. Năm học 2020-2021, toàn bậc học đã có hơn nửa triệu cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (37.740 CBQL, 377.103 GV, 114.688 NV). Các địa phương đã chi thêm 483,88 tỷ đồng/ năm để thực hiện chính sách tiền lương cho 21.280 giáo viên hợp đồng lao động theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP của Chính phủ, đạt 44% tổng số giáo viên hợp đồng lao động. - PGS.TS Nguyễn Bá Minh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi: Động lực để nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ