Phó Thủ tướng giao 3 bộ phối hợp với Thành phố Hà Nội để 'hồi sinh' dòng sông này.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về dự án đầu tư xây dựng công trình bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch.
Theo đó, việc xử lý tận gốc các nguồn ô nhiễm và hồi sinh các dòng sông, đặc biệt là sông Tô Lịch, là nhiệm vụ cấp bách nhằm cải thiện môi trường, cảnh quan đô thị, bảo tồn văn hóa và bảo vệ sức khỏe người dân.
UBND TP Hà Nội được yêu cầu triển khai ngay dự án bổ cập nước cho sông Tô Lịch, đặc biệt trong bối cảnh toàn bộ nước thải dọc theo dòng sông đã được thu gom về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, nhưng lượng nước sau xử lý không được trả lại sông.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quá trình bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch cần được thực hiện song song với việc rà soát các quy hoạch liên quan, áp dụng đồng bộ các giải pháp thu gom nước thải, kiểm soát nước mưa, chỉnh trang đô thị, cải thiện cảnh quan hai bên sông và khai thác hiệu quả về kinh tế, văn hóa, môi trường.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng khẳng định, UBND TP Hà Nội có thẩm quyền quyết định và triển khai dự án đầu tư công khẩn cấp theo nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Trong trường hợp áp dụng quy trình đầu tư công khẩn cấp, UBND TP Hà Nội cần chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng phương án kinh tế - kỹ thuật đảm bảo hiệu quả, tính bền vững, tránh thất thoát tài sản công và ngân sách nhà nước.
Về giải pháp kỹ thuật, Phó Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu công nghệ lắng, lọc nước sông Hồng nhằm giảm lượng phù sa bồi lắng, đồng thời tận dụng hiệu quả nguồn nước đã qua xử lý. Đặc biệt, cần xem xét phương án cấp nước trực tiếp trở lại sông Tô Lịch thay vì xả ra sông Hồng.
UBND TP Hà Nội cũng được giao nhiệm vụ đánh giá tác động của dự án, đảm bảo an toàn cho các công trình hạ tầng kỹ thuật tại khu vực lấy nước và dọc tuyến công trình.
Ngoài ra, các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp hỗ trợ Hà Nội hoàn thiện các thủ tục liên quan đến đê điều, xây dựng, tài nguyên nước và môi trường, nhằm đảm bảo tiến độ và mục tiêu dự án.
"Tô Lịch thực sự trở lại là một dòng sông mang lại giá trị cảnh quan, đô thị, dịch vụ, giao thông, du lịch… là hình mẫu về cơ chế, cách thức xử lý các dòng sông ô nhiễm, các khu vực ô nhiễm môi trường", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu ngày 21/1.
Hồi đầu tháng 1 năm nay, trước ý kiến của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc Hà Nội trình xin Thủ tướng phê duyệt khẩn cấp dự án lấy nước sông Hồng hồi sinh sông Tô Lịch, Thủ tướng đã đồng ý.
Được biết, dự án lấy nước sông Hồng hồi sinh sông Tô Lịch sẽ xây dựng tuyến ống dẫn nước từ cống qua đê đi hướng đường Võ Chí Công đưa nước vào đầu sông Tô Lịch tại vị trí cống qua đường Hoàng Quốc Việt.
Hà Nội dự kiến xây dựng trạm bơm công suất 3-5m3/s tại bãi sông Hồng (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) để bổ cập nước cho sông Tô Lịch. Tại đoạn xuyên qua đê dài khoảng 45m, thành phố sẽ cho đào mở đê, xây dựng cống hộp và lắp đường ống bên trong cống hộp.
Trên tuyến Võ Chí Công có bố trí đầu chờ chia nước để theo tuyến ống dẫn nước đi theo ngõ 685 Lạc Long Quân (khu vực Lotte Mall Tây Hồ) và ngõ 612 Lạc Long Quân vào hồ Đầm Bảy xử lý trước khi vào hồ Tây.
Tuyến đường ống dẫn nước từ đê đến điểm đầu sông Tô Lịch dài khoảng 5,3km, với tổng mức đầu tư khoảng 550 tỷ đồng. Hà Nội cam kết hoàn thành dự án trước tháng 9/2025.
Bên cạnh dự án lấy nước sông Hồng hồi sinh sông Tô Lịch, Hà Nội cũng đang tiến hành vận hành thử nghiệm Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, có công suất đạt 100.000 m³/ngày đêm.
Trước đây, nước thải trực tiếp đổ xuống sông Tô Lịch gây ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng hiện nay nhờ vào hệ thống cống thu gom nước thải được xây dựng dọc theo bờ sông, nước thải sẽ được thu lại, dẫn về nhà máy Yên Xá để xử lý.
Việc làm sạch toàn bộ sông Tô Lịch sẽ cần một khoảng thời gian dài. Người dân Hà Nội đang háo hức chờ đợi sự "hồi sinh" của sông Tô Lịch và các dòng sông khác bị ô nhiễm tại thành phố.
Sông Tô Lịch, là một nhánh chảy từ sông Cái (nay là sông Hồng) và có kết nối với Hồ Tây. Thời kỳ nhà Nguyễn, sông Hồng đã thay đổi dòng chảy và không còn chảy vào sông Tô, khiến cửa sông Tô bị nạn bồi lấp.
Đến năm 1889, người Pháp đã tiến hành lấp một phần của sông Tô để xây dựng 36 phố phường. Sau khi hai cửa sông bị chặn lại hoàn toàn, không còn liên kết với sông Hồng hay thông với Hồ Tây, sông Tô dần trở thành một con sông ô nhiễm nặng nề vì phải chứa lượng nước thải khổng lồ từ thành phố mà dòng chảy lại không được khơi thông.
Con sông rộng lớn này, sau hơn 2000 năm lịch sử, trở thành một cống nước thải đen ngòm, không chỉ khiến Thủ đô mất đi một di sản tự nhiên quý giá mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của cư dân xung quanh trong nhiều thập kỷ vừa qua.
Hơn 20 năm qua, TP Hà Nội thí điểm nhiều giải pháp nhằm "hồi sinh" sông Tô Lịch, trong đó dự án giá trị nhất phải kể đến dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá trị giá 16.293 tỷ đồng.