Chứng trầm cảm gây hậu quả không tốt với thai phụ và thai nhi. Đó có thể là nguyên nhân dẫn đến sẩy thai, đẻ non, thai phát triển không tốt, đứa trẻ sinh ra có thể mắc chứng tự kỷ, chậm phát triển. Trầm cảm thai kỳ không có nghĩa là người đó sẽ trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên, khoảng 50% phụ nữ bị trầm cảm nặng trong thai kỳ tiếp tục bị trầm cảm sau sinh. Điều trị trong thời gian mang thai có thể làm giảm đáng kể nguy cơ trầm cảm sau sinh.
Biểu hiện của trầm cảm sau sinh có thể ở các mức độ khác nhau. Trầm cảm nhẹ: sau khi sinh con khoảng 3-4 ngày, người mẹ thường khóc lóc không rõ nguyên nhân, mệt mỏi. Trầm cảm nặng: lúc đầu người mẹ cảm thấy lo lắng, sau trở nên buồn rầu, cáu gắt vô cớ, có những hành vi kỳ quặc đối với con mới đẻ.
Rối loạn hành vi: Thường sau 2 tuần sau sinh, sản phụ thường buồn rầu, khóc lóc vô cớ, mất định hướng về không gian và thời gian, lo lắng quá mức vì sợ mắc bệnh hiểm nghèo, ít chú ý đến vệ sinh cá nhân, ăn mặc lôi thôi, hành vi thô bạo, xúc phạm người xung quanh. Nặng hơn, người mẹ có thể bỏ mặc con, hành hạ con thậm chí giết hại hoặc tự sát.
Lú lẫn, hoang tưởng cấp: Thường xảy ra trong khoảng 20 ngày đầu sau đẻ. Tiến triển nhanh từ ngày thứ 3, đột ngột xuất hiện tình trạng lú lẫn, hoang tưởng, tăng về chiều tối. Hoang tưởng bị hại tập trung vào đứa con (cho là đứa con sinh ra không phải của mình) đôi khi kèm theo trầm cảm - lo âu.
Ngoài ra có thể gặp các rối loạn mang tính chất tâm căn như nôn, buồn nôn, nhất là mẹ mang thai trong 3 tháng đầu, một số khác thì tăng tiết nước miếng. Các rối loạn khác là lo âu nhẹ, chóng mặt, tức ngực, sợ chết khi đẻ, sợ sinh con bệnh tật... có thể gặp ở giai đoạn sát ngày sinh.
Thai phụ hoặc người nhà cần theo dõi sát tâm lý bà bầu. Nếu thấy có dấu hiệu khác thường thì cần đi khám để can thiệp kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc cho cả mẹ và con.
Tham khảo thêm thông tin bài viết: Những trạng thái trầm cảm sau sinh và cách xử trí