Cán bộ giám sát nhận thấy, bước chân đi của thí sinh này không bình thường nên đã yêu cầu đưa dép để kiểm tra. Kết quả, phát hiện thí sinh đã khoét lỗ ở đế dép để giấu điện thoại mang vào phòng thi. Một trường hợp khác, sau khi kết thúc bài thi môn Ngoại ngữ, đến giờ nộp bài, điện thoại trong người thí sinh rơi ra. Cán bộ đã phát hiện và đình chỉ thí sinh.
Câu chuyện trên cũng là bài học để cán bộ coi thi cảnh giác, tinh ý trong quá trình coi thi nhằm phòng chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao. Quan điểm là phòng hơn chống, nên các trường THPT cần tuyên truyền tới học sinh không mang các thiết bị công nghệ vào phòng thi (dù có sử dụng hay không), đặc biệt năm nay thí sinh không được phép mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, tỉnh Bình Định dự kiến có hơn 18 nghìn thí sinh đăng ký dự thí. Sở dự kiến bố trí trên 40 phòng thi, với gần 800 phòng thi. Đồng thời, huy động hơn 2 nghìn nhân lực tham gia phục vụ kỳ thi. Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn cho hay, Sở đang tích cực xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ thi ở từng khâu. Theo đó, Sở sẽ có dự báo những khó khăn, thách thức có thể xuất hiện để chủ động các phương án ứng phó.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT Bình Định tiếp tục phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương… tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc; hướng dẫn các điểm thi xây dựng kế hoạch, lập danh sách địa chỉ nhà, số điện thoại từng thí sinh. Qua đó, có thể nắm bắt tình hình, phòng ngừa khi xảy ra sự cố thì liên lạc với thí sinh hoặc người nhà.
Công an tỉnh Bình Định sẽ chỉ đạo công an các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với Sở GD&ĐT và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự và phòng chống cháy nổ tại địa điểm in sao đề, coi và chấm thi. Đồng thời, chú trọng tuần tra, canh gác, phân luồng giao thông bảo đảm an toàn trật tự khu vực xung quanh các địa điểm coi thi.
Quảng Ngãi dự kiến huy động hơn 1.200 người tham gia phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT với khoảng hơn 12 nghìn thí sinh đăng ký dự thi. Ông Nguyễn Ngọc Thái – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cho hay, Sở đang xây dựng kế hoạch tập huấn về công tác tổ chức kỳ thi; trong đó nhấn mạnh đến công tác coi thi nhằm bảo đảm trường thi diễn ra nghiêm cẩn. Theo đó, Sở sẽ tập huấn nghiệp vụ coi, chấm thi để cán bộ tham gia nhiệm vụ nắm chắc quy chế, xử lý kịp thời khi có những dấu hiệu bất thường.
Với nhiều năm kinh nghiệm làm công tác thanh tra kỳ thi, ông Nguyễn Đức Khôi - Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội chia sẻ, khi đến làm việc tại các điểm thi, cần quan sát, kiểm tra hiện trạng: Phòng thi, tường rào, hệ thống camera… Nếu khâu nào chưa đạt yêu cầu, cần có ý kiến đề nghị trưởng điểm thi khắc phục. Đặc biệt, cần liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo thi để nắm bắt tình hình tại các điểm thi từ vấn đề an ninh trật tự đến cơ sở vật chất…
Theo ông Khôi, mỗi cán bộ thanh tra, kiểm tra cần nắm chắc Quy chế thi. Từ đó mới chủ động, làm chủ các tình huống bất ngờ. Công tác kiểm tra đòi hỏi tỉ mỉ, cẩn trọng và tinh tế. Chẳng hạn, khi kiểm tra camera an ninh, cần đối chiếu việc cài đặt thời gian của thiết bị với giờ thực tế, xem có bị lệch nhau hay không, cấu hình ra sao và có còn kết nối Internet? Càng cẩn thận, chi tiết thì hiệu quả càng cao, góp phần vào thành công chung của kỳ thi.
Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định Đào Đức Tuấn cho biết, tỉnh chú trọng thực hiện các phương án bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng, chống Covid-19 tại các địa điểm tổ chức thi. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, không để xảy ra tình trạng tăng giá bất thường trong thời gian tổ chức các kỳ thi.