Kinh tế khó khăn, lại không thể gửi con về quê, chị dự tính đăng ký cho con vào trường tiểu học công lập ở quận Tây Hồ. Tuy nhiên, là người ngoại tỉnh, không có hộ khẩu tại Hà Nội, con chị buộc phải học trái tuyến. Nhưng suốt mấy tháng nay, chị gặp khó khăn khi đăng ký tạm trú. Lên gặp hiệu trưởng của trường, chị cũng bị từ chối vì không đáp ứng được thông tin này trong hồ sơ.
Người mẹ này cứ chật vật, nhờ vả hết người này đến người kia chỉ dẫn, tìm đủ mọi cách mong cho con có suất học trường công sớm nhất có thể bởi theo chị, nếu không xin sớm, khi các trường đã tuyển sinh đủ chỉ tiêu, việc xin học trái tuyến càng khó.
Không riêng phụ huynh, chia sẻ với Zing, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội cho biết nhà trường cũng gặp khó trước nhiều trường hợp phụ huynh xin học cho con, nhất là các trường hợp trái tuyến.
Theo vị hiệu trưởng này, học sinh có quyền được học ở một trường, lớp hoặc cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục tiểu học tại nơi cư trú, được chọn trường ngoài nơi cư trú. Tuy nhiên, việc học trái tuyến này phải phụ thuộc vào việc trường có khả năng tiếp nhận hay không.
Những năm gần đây, Hà Nội cũng chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối thiểu việc tuyển sinh trái tuyến, không tiếp nhận học sinh trái tuyến đối với các cơ sở giáo dục đã tuyển đủ chỉ tiêu được giao.
"Chính vì vậy, một số trường hợp phụ huynh có nguyện vọng đăng ký học trái tuyến, nhà trường cũng 'bó tay' vì đã đủ chỉ tiêu. Không nhận các em, phụ huynh sẽ gặp khó khăn, mà nhận, nhà trường lại làm sai quy định. Chỉ khi nào có trường hợp học sinh chuyển đi, nhà trường mới chấp nhận những trường hợp đầy đủ hồ sơ theo quy định", vị hiệu trưởng nói.
Dù chưa hết năm học, phụ huynh Hoàng Liệt đã lo lắng tình trạng bốc thăm như năm ngoái lại tái diễn. Ảnh: Duy Anh. |
Chia sẻ với Zing, phụ huynh gặp khó về đăng ký tạm trú cho biết nếu không còn cách nào khác, chị tính đến chuyện sẽ chuyển chỗ ở để con có thể đi học trường công ở thủ đô.
Tương tự, chị Tươi cũng dự tính nếu vẫn phải bốc thăm như năm trước, không may bị trượt trường công, chị sẽ gửi con về quê ở Thanh Hóa để học, hoặc chắt bóp chi tiêu, giảm chi phí học thêm của con lớn để con nhỏ đi học trường tư.
“Trường công ở quê thiếu học sinh, còn ở thành phố, phụ huynh phải xếp hàng để con được đi học. Hiện tại, riêng học phí của 2 cháu đã lên đến 7 triệu đồng/tháng. Nếu chẳng may con bốc trượt và phải học trường tư, chi phí không biết độn lên bao nhiêu", chị Tươi chia sẻ.
Năm học tới, con chị Lan cũng lên 4 tuổi. Người mẹ này dự tính tiếp tục đăng ký lại vào trường công, nhưng cũng lo ngại tình trạng bốc thăm tái diễn bởi như năm ngoái, chỉ trẻ 5 tuổi là được ưu tiên.
“Năm ngoái, biết tin số học sinh vượt quá chỉ tiêu, 2 vợ chồng cũng mất ăn mất ngủ, cầu trời khấn phật cho con được vào trường công nhưng vẫn trượt. Bây giờ, 2 vợ chồng đang phải nghe ngóng xem nhờ vả trước được ai không. Nếu vẫn không được nữa, gia đình cũng phải chấp nhận”, chị Lan lo ngại.
Hiện tại, vợ chồng chị Lan cũng tìm cách tăng thu nhập, nhập thêm nông sản từ quê lên để bán, phòng trường hợp nếu con tiếp tục phải học trường tư. Nếu bí quá, người mẹ này cũng tính đến phương án cho con về quê với ông bà hoặc xin học trường công trái tuyến ở xa nhà, chấp nhận thêm khoản thuê người đưa đón.
Nhưng theo chị Lan, phương án này cũng khó nếu các trường đã đủ chỉ tiêu đúng tuyến, chưa kể các chi phí cộng dồn cũng tương đương học trường tư.