“Nếu tình trạng tương tự TLTT xảy ra với TLĐT thì sao? Hiện nay, khi chưa công nhận TLĐT thì các cửa hàng bán sản phẩm này đã có mặt ở khắp nơi, kể cả các con phố chính hay cạnh trường học. Cửa hàng được thiết kế hiện đại trông như cửa hàng công nghệ hoặc quán cà phê để lôi kéo các con.
Nếu TLĐT, thuốc lá mới được cho phép lưu hành như TLTT các cửa hàng bán TLĐT sẽ mọc lên như nấm, làm thế nào để kiểm soát trẻ em sẽ tránh xa các sản phẩm này?”, chị Phạm Phương Thảo (quận Long Biên, Hà Nội, có hai con học lớp 10 và lớp 7) bày tỏ sự quan ngại.
Đề xuất cấm hoàn toàn TLĐT
Ở cương vị phụ huynh, chị Thảo mong muốn loại bỏ thuốc lá điện tử càng sớm càng tốt khi nhìn từ thực tế trẻ vị thành niên phải trả cái giá quá đắt cho việc sử dụng các sản phẩm độc hại này.
“Tôi đề nghị chính phủ cần đưa ra chính sách cấm hoàn toàn TLĐT để bảo vệ các con. Một khi các sản phẩm này bị cấm triệt để thì tỷ lệ các con mua bán, sử dụng mới hạn chế ở mức thấp nhất”, chị nói.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Hương - giáo viên trường THPT Kim Liên (Hà Nội) - cũng ủng hộ việc cấm TLĐT trong môi trường học đường nói riêng và toàn xã hội nói chung.
Ngoài ra, chị còn đề cập tới vai trò đồng hành của chính phụ huynh trong công cuộc đẩy lùi TLĐT khỏi trường học: “Tôi nghĩ ngoài ban hành luật cấm, nhà trường, gia đình đồng hành cùng học sinh, con em mình cũng là điều quan trọng. Cha mẹ cần nắm bắt tâm sinh lý của con, thường xuyên quan tâm, trò chuyện với con để sớm phát hiện khi thấy con có biểu hiện lạ do sử dụng TLĐT”.
Bên cạnh đó, chính học sinh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn TLĐT. PGS.TS Trần Thành Nam - chuyên gia tâm lý học, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam - khuyến cáo các bạn trẻ rất cần có tư duy thông thái, có khả năng cân bằng lý trí, cảm xúc để bảo vệ mình khỏi TLĐT.
“Có nhiều cách để đời sống học đường vui vẻ, hạnh phúc hơn là sử dụng các chất gây hại đem lại cảm giác thoải mái tức thời nhưng để lại hậu quả lâu dài cho sức khỏe”, ông Nam nói.