Năm 2024-2025, học sinh lớp 9 sẽ là lứa đầu tiên thi vượt cấp lên lớp 10 theo chương trình Giáo dục phổ thông mới. Nhưng đến thời điểm này, học sinh, phụ huynh vẫn chưa thể hình dung phương án thi ra sao.
Chị Nguyễn Thu Hà, có con năm nay học lớp 9, Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình (Hà Nội), cho biết gia đình rất sốt ruột mong chờ phương án thi tuyển lớp 10 để có kế hoạch, định hướng cho con học và thi. Những năm trước, Hà Nội chốt sẽ thi 3 môn gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và môn thứ tư nếu có sẽ công bố sau. Như vậy, học sinh sẽ tập trung học trước các môn đã biết nhưng với chương trình mới có nhiều khác biệt, nhất là thêm các môn tích hợp Khoa học tự nhiên (KHTN), Lịch sử - Địa lý nên rất khó để hình dung được phương án thi.
“Phụ huynh cũng đã bày tỏ ý kiến với thầy cô, nhà trường nhưng đều nhận được câu trả lời là phải chờ đợi. Kinh nghiệm ôn thi, nhất là thi vào Trường THPT chuyên, học sinh phải học từ lớp 8 chứ không phải chờ đến bây giờ”, chị Hà nói.
Trên các diễn đàn, nhiều phụ huynh có con học lớp 9, thậm chí lớp 8 năm học tới cũng tò mò, đồn đoán về phương án thi lớp 10. Nhiều người cho rằng, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT nên có hướng dẫn sớm, không nên để phụ huynh, học sinh phải mòn mỏi ngóng về phương án thi bởi chương trình giáo dục phổ thông đã được áp dụng năm học tới là năm thứ 5.
Ở phía trường học, bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ, nhiều phụ huynh đã quan tâm, hỏi phương án thi năm học tới nhưng trường cũng chờ phương án của Sở GD&ĐT công bố.
Để tránh bị động, giáo viên các bộ môn vẫn phải bám theo định hướng của chương trình mới để xây dựng ma trận các đề kiểm tra, đánh giá học sinh xuyên suốt từ lớp 6 đến lớp 9 cho các em dần quen.
Với môn thi, vì không biết năm tới học sinh sẽ thi 2 hay 3 môn, có thi môn tích hợp hay không và nếu thi thì tích hợp liên môn hay tách từng môn trong tổ hợp (KHTN gồm 3 môn: Vật lí, Hoá học, Sinh học) nên để chắc chắn, nhà trường quán triệt giáo viên tất cả các bộ môn phải có kế hoạch theo hướng sẵn sàng cho tinh thần có thể thi bất cứ môn nào.
Cần sớm có phương án
Năm tới, lứa học sinh đầu tiên sẽ thi lớp 10 theo chương trình GDPT mới
PGS Đặng Quốc Thống, Chủ tịch Hội đồng Trường Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cũng cho biết, năm học mới đã cận kề, thầy trò đều ngóng phương án thi vượt cấp bởi vì chương trình mới có sự khác biệt so với chương trình giáo dục phổ thông 2006 trước đây.
“Nhất là việc dạy học các môn tích hợp ở bậc THCS còn có những bất cập nên không rõ phương án thi mới sẽ như thế nào. Việc tích hợp các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học vào một môn KHTN không mang lại hiệu quả trong dạy học, hiện nay nhiều em rất yếu môn Vật lí và Hoá học. Cách thiết kế như vậy khi kiểm tra, các em có bỏ 1 môn vẫn có điểm 2 môn gánh nên không bị liệt như vậy sẽ càng khiến nhiều em không theo học các môn tự nhiên vốn dĩ là thế mạnh của nhiều học sinh thế hệ trước”, ông Thống nói.
PGS Thống cũng cho rằng, khi xây dựng chương trình mới, ngành Giáo dục cần chủ động cả phương án thi để các địa phương, nhà trường chủ động, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy” sẽ gây áp lực lớn cho học sinh và phụ huynh nhất là trong bối cảnh kỳ thi tuyển lớp 10 của Hà Nội có lượng thí sinh dự thi rất đông và tỉ lệ cạnh tranh khốc liệt.
Một số Sở GD&ĐT cho biết, lí do đến thời điểm này địa phương chưa có phương án thi tuyển lớp 10 theo chương trình mới vì chờ hướng dẫn chung của Bộ GD&ĐT. Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đơn vị đang nghiên cứu phương án thi tuyển lớp 10 THPT từ năm học 2025. |
Thầy Đinh Đức Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học, THCS - THPT FPT Bắc Giang cho rằng, với học sinh học chương trình mới, phụ huynh không chỉ quan tâm đến phương án thi tuyển lớp 10 đại trà mà còn rất quan tâm đến phương án thi lớp 10 THPT chuyên.
Theo thầy Hiền, bám sát định hướng của chương trình GDPT mới và lựa chọn đầu ra, phương án thi lớp 10 đại trà các địa phương chỉ cần chốt 2 môn bắt buộc gồm: Toán, Ngữ văn. Riêng môn thứ 3 có thể để học sinh lựa chọn môn thi phù hợp với năng lực trong tổng số các môn còn lại gồm: Ngoại ngữ, KHTN, Lịch sử - Địa lí, Ngoại ngữ… Tuy nhiên, thầy Hiền cảnh báo, với phương án này, bài thi KHTN có thể có rất ít học sinh lựa chọn vì việc tích hợp kiến thức 3 môn “khó nhằn” cùng lúc sẽ khiến ít học sinh lựa chọn. “Đặt lên bàn cân cũng dễ nhận thấy, nếu được lựa chọn học sinh không dại gì đi thi cùng lúc 3 môn trong khi có thể chọn 1 môn đơn lẻ khác. Do đó, cơ quan quản lí giáo dục có thể cân nhắc việc tách rời từng môn thi trong môn tích hợp hoặc phương án khác nữa là bốc thăm môn thứ 3 theo từng năm”, thầy Hiền nói.
Đối với thi môn chuyên, thầy Hiền chỉ ra vấn đề bất cập đó là 4 năm học bậc THCS học sinh chỉ được học 2 môn tích hợp đó là KHTN, Lịch sử - Địa lí. Thế nhưng khi lên THPT, các trường chuyên lại có từng môn chuyên đơn lẻ: Vật lí, Hoá học, Sinh học…. Vấn đề đặt ra là nên thi thế nào để tránh việc học một đường thi một nẻo cũng cần sớm có phương án. “Cách làm có thể công bố đề thi gồm 2 phần, trong đó một phần kiến thức cơ bản, nền tảng môn KHTN và phần hai sẽ chuyên sâu vào môn Vật lí hoặc Hoá hoặc Sinh theo nguyện vọng của học sinh”, theo thầy Hiền.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay Bộ GD&ĐT đang chuẩn bị Dự thảo Thông tư hướng dẫn tuyển sinh thay thế Thông tư 11 và theo quy chế sẽ đưa lên mạng lấy ý kiến rộng rãi trước khi công bố.