Phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Không mất cân bằng giữa tổ hợp tuyển sinh

15/01/2024, 17:09
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Phương án tổ chức thi tốt nghiệp năm 2025 theo hướng tinh gọn, giảm áp lực thi cử cho học sinh, chi phí cho phụ huynh và xã hội.

Đặc biệt là không gây mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh, phù hợp với cấu trúc, nội dung Chương trình GDPT 2018.

Cô Huỳnh Thị Hòa Bình - Hiệu trưởng Trường THPT Lạng Giang số 1 (Bắc Giang): Không gây mất cân bằng

Mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 là giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời. Đồng thời có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú. Qua đó có được cuộc sống ý nghĩa, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.

Cô Huỳnh Thị Hòa Bình.
Cô Huỳnh Thị Hòa Bình.

Thực tế cho thấy, cấu trúc, nội dung Chương trình GDPT 2018 đang được triển khai cũng có nhiều đổi mới, vì vậy, phương án tổ chức thi đổi mới là phù hợp. Ưu điểm của phương án là theo hướng tinh gọn, giảm áp lực thi cử, giảm chi phí (thí sinh chỉ phải thi 4 môn thay vì thi 6 môn như hiện nay), và quan trọng là không gây sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh.

Việc được chọn 2 trong 9 môn học (có đến 36 cách thức lựa chọn khác nhau) theo đúng tổ hợp môn học đã chọn tạo điều kiện để thí sinh lựa chọn môn thi phù hợp với định hướng nghề nghiệp, năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia lao động, sản xuất. Như vậy, phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã góp phần hiện thực hóa quan điểm và mục tiêu của Chương trình GDPT 2018.

Thời gian tới, nhà trường vẫn tổ chức ôn tập cho học sinh theo nhóm tổ hợp môn học sinh đã lựa chọn, đăng ký trước đó. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức trọng tâm, kiến thức nâng cao vào buổi chiều, ôn tập theo chủ đề, chủ điểm để học sinh có đủ kiến thức tham gia các kỳ thi.

Tiếp đó, ngay khi kết thúc học kỳ I năm học 2023 - 2024, Trường THPT Lạng Giang số 1 sẽ tổ chức họp phụ huynh học sinh lớp 11 để phổ biến về những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp 2025. Đồng thời, sẽ cho các em đăng ký tổ hợp 2 môn tự chọn gắn với ngành nghề dự định đăng ký xét tuyển đại học.

Khi có số liệu tổng hợp từ lựa chọn của học sinh, nhà trường sẽ phải cân đối việc bố trí giáo viên, xây dựng kế hoạch cụ thể để từng bước tiến hành ôn tập cho học sinh kể từ học kỳ II năm lớp 11. Định hướng này sẽ giúp tạo sự ổn định khi học sinh tiếp tục học chương trình lớp 12 của năm học 2024 - 2025.

Hiện nay, việc xét tuyển đại học có rất nhiều hình thức, phương án, không chỉ dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, mà còn xét tuyển học bạ. Đồng thời, mỗi trường sẽ đưa ra các tổ hợp môn xét tuyển phù hợp với từng chuyên ngành để học sinh tham khảo trước khi quyết định lựa chọn ngành học. Nhiều trường còn tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT có kế hoạch triển khai chi tiết việc tổ chức thi và hướng dẫn ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để nhà trường có định hướng xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 11 năm học 2023 - 2024.

Trong việc lựa chọn phương án thi tốt nghiệp năm 2025, môn Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc cũng đang là điều nhiều giáo viên và phụ huynh băn khoăn. Tuy nhiên, có thể nói, ngoại ngữ vẫn được coi là ngôn ngữ của hội nhập, được học sinh lựa chọn theo nhu cầu và định hướng nghề nghiệp. Đối với những học sinh có định hướng đi du học hoặc theo ngành ngôn ngữ thì các em sẽ học chuyên sâu. Do vậy, môn Ngoại ngữ sẽ không mất đi vị thế của mình.

Ông Tạ Việt Hùng.
Ông Tạ Việt Hùng.

Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, theo Bộ GD&ĐT mục đích tổ chức thi nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu của Chương trình GDPT 2018. Lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và là một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục.

Nội dung thi, bám sát yêu cầu cần đạt về năng lực và kiến thức chủ yếu của lớp 12 trong Chương trình GDPT mới. Đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực phù hợp với quy định và lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018 của học sinh.

Với mục đích và yêu cầu nêu trên, ngành Giáo dục Bắc Giang tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền tới người học, phụ huynh và xã hội. Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở và các trường cao đẳng có dạy chương trình GDTX cấp THPT trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch với mục tiêu chuẩn bị thật chu đáo cho kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên của lứa học sinh học Chương trình GDPT 2018 với nguyên tắc thầy - trò cùng chủ động, quyết liệt, tự tin. Đồng thời, các nhà trường làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp cũng như dạy học phân hóa đối tượng”. - Ông Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang

Thầy Nguyễn Hữu Thanh - Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Thành số 1 (Bắc Ninh): Cùng phân luồng ôn tập và định hướng nghề nghiệp

Thầy Nguyễn Hữu Thanh.
Thầy Nguyễn Hữu Thanh.

Triển khai Chương trình GDPT 2018, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, phương án về môn học lựa chọn cho học sinh trong các tổ hợp môn học lựa chọn.

Đồng thời, với đội ngũ giáo viên, nhà trường xây dựng 5 phân nhóm. Tuy vậy, đến năm học 2023 - 2024, nhà trường rút xuống 3 nhóm (khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, kết hợp khoa học xã hội và khoa học tự nhiên) phù hợp năng lực, đầu ra cho học sinh. Bên cạnh đó, Trường THPT Thuận Thành số 1 đã tính toán phương án của Bộ GD&ĐT để khi Bộ công bố phương án thi tốt nghiệp, trường sẽ khảo sát học trò và định hướng học sinh theo môn học của mình.

Cụ thể, ngoài 2 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán) thi tốt nghiệp năm 2025, học sinh còn được định hướng phát triển giáo dục định hướng nghề nghiệp và giáo dục toàn diện. Hiện, các trường đại học chưa công bố phương án lấy kết quả thi tốt nghiệp theo tổ hợp hay phương án đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.

Vì vậy, Trường THPT Thuận Thành số 1 sẽ tiếp tục khảo sát và tư vấn việc lựa chọn 2 môn và kế hoạch học tập các môn khác cho học sinh lớp 11 năm học 2023 - 2024. Bởi, khi xác định vào các trường đại học tuyển qua những bài đánh giá năng lực hay khảo sát tư duy thì chắc chắn các em sẽ phải học sâu rộng hơn ở nhiều môn.

Với môn Ngoại ngữ trở thành môn tự chọn thì học trò các vùng miền khác nhau có lựa chọn đa dạng. Ví dụ, địa phương du lịch, công nghiệp sẽ cần thiết vì yêu cầu việc làm sau này. Còn khi bắt buộc thì các em không “thực học”, học “chống đối”, học trong áp lực không cần thiết. Ai có nhu cầu thực sự thì phải đầu tư, phải học ngoại ngữ và xác định ngoại ngữ cho công việc sau này.

Qua nắm bắt, đa số học sinh, phụ huynh Trường THPT Thuận Thành số 1 có nhu cầu lớn với môn Ngoại ngữ do trên địa bàn rất nhiều công ty, tập đoàn nước ngoài. Trước đó, Trường THPT Thuận Thành số 1 đã có mô hình lớp ngoại ngữ và ngữ văn bổ sung cho học sinh ngoài khối thi truyền thống. Thực tế, nhiều bạn trẻ ra trường cần ngoại ngữ để trao đổi còn ngữ văn để viết báo cáo, dự án mạch lạc, thuyết phục, rèn tư duy đọc sách rất tốt.

Đơn cử như Nguyễn Ngân Dương, lớp 11A14 đang học khối xét tuyển khối D01 nên vẫn có kế hoạch chinh phục môn Tiếng Anh. Với mong ước thi vào Học viện Ngoại giao hoặc Trường Đại học Ngoại ngữ, Dương đã tính đến phương án thi Chứng chỉ quốc tế như IELTS để có nền tảng vững chắc hơn.

Tương tự, Nguyễn Văn Tiến, học sinh lớp 11A1, bản thân đang học đều các môn (Toán, Lý, Hóa, Anh) nên sẽ vất vả hơn các bạn song Tiến có lợi thế lên kế hoạch học tập và nền tảng kiến thức tốt. Tiến vẫn học đều các môn vì em nghĩ các môn đều có tác dụng nhất định trong cuộc sống, để tiến tới thi khối ngành kỹ thuật hoặc ngành luật.

Thầy Lê Hồng Hà - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông quốc tế Kinh Bắc (Bắc Ninh): Chủ động giải pháp dạy học và ôn tập cho học sinh

Thầy Lê Hồng Hà.
Thầy Lê Hồng Hà.

Mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 là một bước tiến quan trọng trong việc đổi mới giáo dục Việt Nam.

Chương trình mới đã đề ra những mục tiêu giáo dục cao hơn, toàn diện hơn, hướng đến phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của học sinh, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, để chương trình mới được triển khai thành công, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các cơ sở giáo dục và gia đình. Nhà nước cần tiếp tục đầu tư cho giáo dục, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá. Các gia đình cần quan tâm, phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục học sinh.

Với phương án thi tốt nghiệp năm 2025, để đảm bảo không học lệch khối, nhà trường có kế hoạch dạy học, ôn tập cân đối giữa các môn học, tránh tình trạng học sinh tập trung học một số môn học theo khối xét tuyển đại học. Từ đó, nhà trường thực hiện các giải pháp sau: Tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp, định hướng cho học sinh lựa chọn khối thi, ngành học phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân. Đồng thời, kiểm tra đánh giá thường xuyên, giữa kỳ, cuối kỳ phải được thực hiện nghiêm túc.

Đồng thời, Trường Phổ thông quốc tế Kinh Bắc tổ chức các buổi tập huấn cho giáo viên về phương án thi tốt nghiệp năm 2025, về đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, đặc biệt quan tâm chú trọng đến các kỳ thi đánh giá năng lực của các trường đại học.

Bên cạnh đó, khuyến khích giáo viên - học sinh tiếp cận kỳ thi đánh giá năng lực. Bởi cấu trúc bài thi này liên quan đến hầu hết các môn học như Toán, Văn, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa… do đó sẽ hạn chế được phần nào tình trạng lệch trong quá trình dạy và học.

Cô Lê Thị Thu.
Cô Lê Thị Thu.

“Phương án thi tốt nghiệp năm 2025 có 2 môn bắt buộc sẽ không xáo trộn nhiều vì học sinh vẫn phải học môn Toán cẩn thận để tốt nghiệp cũng như tăng cơ hội xét tuyển.

Phụ huynh cũng đồng hành với học sinh để đạt kết quả cao nhất. Chương trình GDPT 2018 nhiều kiến thức hơn, do vậy học sinh sẽ được phụ đạo nâng cao năng lực.

Tán thành việc nên cho học sinh lựa chọn 2 môn thi tốt nghiệp (ngoài Toán, Ngữ văn) từ đó phát huy thế mạnh. Tuy nhiên học sinh không được có tâm lý buông bỏ, cố học để qua môn. Bên cạnh đó, các thầy cô hết sức cố gắng truyền cảm hứng cho học sinh để học chỉn chu môn Ngoại ngữ, tăng khả năng đậu ngôi trường mong muốn. Giáo viên phải nhiệt tình, truyền lửa tốt hơn cho học trò. Tôi thường động viên các em học tốt ngoại ngữ để có lợi thế sau này làm việc, thu nhập tốt hơn”. - Cô Lê Thị Thu, giáo viên Toán, Trường THPT Thuận Thành số 1 (Bắc Ninh)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Không mất cân bằng giữa tổ hợp tuyển sinh