Ấn Độ và Trung Quốc đã trở thành 2 khách hàng mua dầu Nga lớn nhất
Chuyển hướng xuất khẩu đã là phao cứu sinh cho ngành công nghiệp năng lượng của Nga, với doanh thu vốn chiếm một phần lớn trong thu ngân sách của nước này.
Vào tháng 1/2022, các nước châu Âu đã nhập khẩu 1,3 triệu thùng dầu mỗi ngày của Nga trong khi các khách hàng châu Á mua 1,2 triệu thùng. Đến tháng 1/2023, doanh số bán hàng của Nga sang châu Âu đã giảm xuống dưới 100.000 thùng mỗi ngày nhưng xuất khẩu sang châu Á đã tăng lên 2,8 triệu thùng.
Nhu cầu của châu Á đã thay thế nhiều hơn cho sự sụt giảm xuất khẩu dầu sang châu Âu. Ấn Độ đã trở thành khách hàng mua dầu thô vận chuyển bằng đường biển lớn nhất của Nga, khi mua hơn 1,4 triệu thùng mỗi ngày kể từ đầu năm 2023.
Các nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng không kém cạnh, mua từ 800.000 - 1,2 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2022. Trong một năm, Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia vùng Vịnh đã thay thế hoàn toàn nhu cầu của châu Âu đối với xuất khẩu dầu của Nga.
Các nhà xuất khẩu châu Á cũng đã lấp đầy một phần khoảng trống do các nhà cung cấp thiết bị sản xuất tiên tiến và công nghệ cao của phương Tây để lại. Các công ty Trung Quốc hiện chiếm 40% doanh số bán ô tô mới và 70% doanh số điện thoại thông minh ở Nga.
Việc phương Tây rút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp ô tô trong nước. Nga đã chuyển sang nhập khẩu ô tô châu Âu và Nhật Bản đã qua sử dụng thông qua các nước thứ ba, trong đó ô tô mới chủ yếu đến từ Trung Quốc.
Trung Quốc Đại lục và Hồng Kông (Trung Quốc) đã trở thành những nhà cung cấp vi mạch chính mà Nga bắt đầu dự trữ trước chiến dịch quân sự.
Dù vẫn còn phải đánh giá tính hiệu quả của các kênh nhập khẩu này về lâu dài nhưng trong ngắn hạn, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ của phương Tây đã không tạo ra cuộc khủng hoảng chip ở Nga.
Các đối tác thương mại của Nga trong Liên minh Kinh tế Á - Âu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bỏ qua các hạn chế xuất khẩu công nghệ. Các nền kinh tế Trung Á đang hoạt động tích cực như các đường dẫn nhập khẩu song song và thương mại quá cảnh. Trong đó, đáng chú ý là nhập khẩu máy móc và các sản phẩm hóa chất.
Tính đến tháng 10/2022, mức tăng hàng năm trong xuất khẩu sang Nga từ Trung Quốc, Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Armenia gần bằng mức giảm xuất khẩu của châu Âu, Mỹ và Vương quốc Anh sang Nga.
Bằng cách đóng vai trò là nhà cung cấp thay thế cho nền kinh tế Nga, cũng như với tư cách là khách hàng mới quan trọng cho hàng hóa và là người định giá cho xuất khẩu dầu của Nga trên thị trường toàn cầu, các nền kinh tế châu Á đã giúp làm giảm đáng kể tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Do đó, sức mạnh thương mại của châu Á trong việc giảm thiểu tác động của cấm vận đối với Nga chủ yếu thuộc về Trung Quốc và Ấn Độ, bên cạnh một số nền kinh tế Trung Đông và Trung Á.
Những thực tế địa kinh tế này dường như sẽ làm phức tạp thêm việc sử dụng các biện pháp trừng phạt của phương Tây trong tương lai.