Khi các trọng tài bất đồng ý kiến thì chuyện các chuyên gia bóng đá tranh cãi xung quanh pha bóng này cũng là điều dễ hiểu. Luật đã quy định và diễn giải nhưng trọng tài vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng.
Luật 12 của IFAB có đoạn ủng hộ pha chống tay của Gimenez rằng: "Một cầu thủ bị xem là làm cơ thể phình to bất thường khi vị trí cánh tay/bàn tay không phải là hệ quả của một hành động chính đáng của cơ thể trong một tình huống nhất định".
Nhưng IFAB cũng nói thòng thêm một câu: "Việc để cánh tay ở một vị trí như vậy thì cầu thủ phải chịu rủi ro khi để bóng chạm tay và bị phạt". Dựa vào mệnh đề này thì việc trọng tài có thể bỏ qua lỗi này (như nhận định ban đầu của ông) hoặc có thể phạt sau khi xem lại VAR.
Tay của Gimenez có thể bị xem là "tìm đến bóng" trước khi anh chống đỡ cơ thể. Ảnh: Reuters. |
Trong tình huống này, tay của Gimenez đang chống xuống đất thì chạm vào bóng. Nó chỉ khác một ví dụ "không phải lỗi dùng tay chơi bóng" của IFAB là cánh tay chống theo phương nghiêng thay vì chống dọc xuống của trường hợp dẫn đến phạt đền cho Bruno.
Ngoài ra, bàn tay của cầu thủ Uruguay có thể bị xem là đã chặn quả bóng lại trong pha chiếu chậm. Một yếu tố khác để trọng tài có thể nhận định quả phạt đền là tay Gimenez tìm đến bóng thay vì bóng tìm đến tay cầu thủ phòng ngự như các ví dụ của IFAB.
Trọng tài Alireza Faghani khá nổi tiếng khi từng cầm còi nhiều trận đấu quan trọng từ World Cup 2018. Ông lên cấp FIFA năm 2008 và làm nhiệm vụ ở nhiều giải đấu lớn khác nhau ở châu Á cấp đội tuyển lẫn CLB. Ông ba lần giành danh hiệu trọng tài hay nhất Iran và hai lần là trọng tài hay nhất châu Á.
Việc ông thay đổi quyết định của mình cho thấy khả năng nhận định các tình huống "chống đỡ cơ thể" của cầu thủ đội phòng ngự trong vòng cấm địa là không hề đơn giản. Điều quan trọng trên hết là trọng tài vẫn là người nhận định và lý giải cho quyết định của mình.