Thông tư số 29/2024/TT- BGDĐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Một trong những quy định là giáo viên đang dạy tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Để “lách” quy định này, không ít giáo viên đã thuê “trợ giảng” dạy theo giáo án của mình cho học sinh.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh Trịnh Đình Hải khẳng định, một giáo viên chân chính không dạy giáo án của người khác, bởi như vậy là vi phạm về mặt nghề nghiệp nhà giáo. Do vậy, các trường hợp “lách” Thông tư 29, thuê “trợ giảng” dạy theo giáo án của mình là vi phạm quy định. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh học sinh phản ánh, từ khi áp dụng Thông tư 29, tiền học thêm ngoài trường học tăng cao, gây không ít những khó khăn cho gia đình.
Thông tư 29 ban hành nhằm quản lý việc dạy thêm, học thêm đi vào nề nếp, ngăn ngừa lạm dụng việc dạy thêm tràn lan, đảm bảo công bằng trong học tập; qua đó gìn giữ hình ảnh và tôn vinh nhà giáo. Tuy nhiên, việc thực hiện đã phát sinh những tình huống “lách” Thông tư, đòi hỏi các cơ quan chức năng sớm vào cuộc chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi có dấu hiệu sai phạm.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh thông tin, thực hiện Thông tư 29, các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh không tổ chức dạy thêm, học thêm, Các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông thực hiện dạy thêm không thu tiền đối với học sinh giỏi, học sinh có xếp loại không đạt, ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 và ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Về việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, số lượng các cơ sở dạy thêm mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh tăng nhanh trong thời gian gần đây. Số lượng hộ đã đăng ký kinh doanh theo quy định có sự chênh lệch giữa các địa phương. Cụ thể: huyện đảo Cô Tô không có hộ đăng ký, huyện Tiên Yên có 1 hộ, Bình Liêu 6 hộ, Đầm Hà 7 hộ, Ba Chẽ 10 hộ, Hải Hà 14 hộ, Vân Đồn 18 hộ, thị xã Quảng Yên có 99 hộ, thành phố Móng Cái 98 hộ, Uông Bí 98, Cẩm Phả 139 hộ, Đông Triều có 235 hộ và thành phố Hạ Long 293 hộ.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, các giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo và được sự cho phép của hiệu trưởng; phải hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ quan giao. Tiền lương giáo viên là dựa trên hợp đồng giữa giáo viên với cơ sở giáo dục. Mức học phí là do thỏa thuận giữa phụ huynh học sinh và cơ sở giáo dục, không có mức giá sàn, giá trần. Phụ huynh học sinh tự nguyện và có quyền lựa chọn cơ sở học thêm cho con em.
Trong bối cảnh thời gian học trên lớp mỗi môn học chưa nhiều, trong khi tâm lý phụ huynh chưa thay đổi, muốn con mình học thêm nhiều hơn nên sẽ có tình trạng các hộ kinh doanh giáo dục trục lợi, đưa mức học phí cao. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh thừa nhận, thực tế cho thấy, tiền học phí ở trường học ít hơn nhiều so với chi phí các phụ huynh phải bỏ ra cho con em đi học thêm bên ngoài. Tuy nhiên, khi các trường học tạo được niềm tin cho cha mẹ học sinh về chất lượng giáo dục thì sẽ giảm việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là hoạt động kinh doanh không điều kiện. Sở Giáo dục và Đào tạo không có quyền quản lý về giờ giấc, quy cách về bàn ghế, không gian, ánh sáng, quạt… để đảm bảo cho một lớp học. Chỉ khi các hộ kinh doanh vi phạm, không tuân thủ quy định trong việc dạy và học như không đảm bảo an toàn cho trẻ và người dạy…, Sở sẽ có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý theo đúng quy định.
Để quản lý tốt việc dạy thêm, học thêm nói chung, ở ngoài nhà trường nói riêng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các cơ sở giáo dục báo cáo danh sách giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường kèm theo thông tin về tên, địa chỉ cơ sở kinh doanh dạy thêm giáo viên tham gia giảng dạy. Hiện, 100% cơ sở giáo dục có giáo viên tham gia hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đều thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo với hiệu trưởng (về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm), công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường; tăng cường kiểm tra hoạt động dạy thêm trong nhà trường gắn với các cuộc kiểm tra thực hiện nhiệm vụ năm học tại phòng giáo dục đào tạo và các cơ sở giáo dục.
Thời gian tới, ngành Giáo dục Quảng Ninh tiếp tục tuyên truyền, vận động giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh… thực hiện nghiêm Thông tư 29; nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy của giáo viên, trách nhiệm của nhà giáo, phát huy năng lực tự học của học sinh. Ngành tăng cường dạy học 2 buổi/ngày; công bố danh sách cụ thể các tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh dạy thêm ngoài nhà trường để toàn xã hội cùng tham gia giám sát các vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm…
Đến thời điểm báo cáo (ngày 10/4), Sở và UBND các địa phương không nhận được ý kiến phản ánh, kiến nghị về việc vi phạm quy định dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29 của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.