Không đủ hành khách
Hôm 6/9, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Bộ trưởng đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan đã đi thử dọc đoạn đường dài 41km giữa Jakarta và Karawang. Ông Luhut đã thảo luận về kế hoạch mở rộng tuyến đường cao tốc với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Phát biểu trước truyền thông, ông Luhut cho biết ông Lý Cường có phản ứng tích cực đối với kế hoạch của Indonesia.
“Phía Trung Quốc tỏ ra rất vui mừng nếu có thể tham gia dự án. Với kinh nghiệm xây dựng 41.000km đường tàu cao tốc của họ, tôi nghĩ điều đó đáng để xem xét”, ông Luhut nói.
Ông Lý Cường cũng tỏ ra “rất hài lòng” với đoàn tàu cao tốc mới này. “Ông Lý nói chất lượng của tàu tương đương với tàu ở Trung Quốc”, ông Luhut nói.
Sau khi đi thử tàu cao tốc, Tổng thống Indonesia Widodo cho biết chuyến đi rất “thoải mái”.
“Chuyến tàu thật thoải mái. Ở tốc độ 350km/h, tôi không cảm thấy chút nào [sự rung lắc] do tốc độ, kể cả khi ngồi hay khi đi trong khoang tàu. Đây chính là sự tiến bộ văn minh. Tất cả đều xoay quanh tốc độ và tốc độ”, ông nói.
Theo ông Widodo, công chúng có thể đi tàu “vào đầu tháng 10”. Ông Widodo yêu cầu các nhà chức trách không được vội vàng trong việc đánh giá các tiêu chuẩn an toàn của đoàn tàu, vốn đã hoàn thành 92%.
Dịch vụ mới được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết tình trạng giao thông liên tục tắc nghẽn dọc tuyến đường thu phí Jakarta-Bandung.
“Bằng cách sử dụng tàu, chúng ta có thể giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí. Mỗi năm chúng ta thiệt hại hơn 100 nghìn tỷ rupiah do ùn tắc giao thông ở khu vực Greater Jakarta và Bandung. Chúng tôi hy vọng mọi người sẽ chuyển từ ô tô cá nhân sang tàu cao tốc”, ông Widodo nói.
Việc thu hút thêm hành khách lên tàu có thể không dễ dàng như ông Widodo hy vọng, vì tàu cao tốc phải cạnh tranh với các phương thức giao thông công cộng rẻ hơn khác – ví dụ như tàu chậm hơn, xe buýt liên tỉnh và xe tải nhỏ hiện đang chạy tuyến đến Bandung.
KCIC, liên doanh Trung Quốc-Indonesia đứng sau dự án đường sắt Jakarta-Bandung, cho biết họ đã cắt giảm mục tiêu đón hành khách hàng ngày từ 31.000 xuống còn khoảng 10.000 vì họ sẽ không thể phục vụ 68 chuyến mỗi ngày trong thời gian hoạt động ban đầu.
Tuyến đường sắt hiện có, Argo Parahyangan, đang vận chuyển 12.000 hành khách mỗi ngày, với các chuyến đi có giá khoảng 120.000 rupiah (7,80 USD). Mức giá này rẻ hơn đáng kể so với giá vé dự kiến của tàu cao tốc là 250.000 rupiah (16,30 USD).
Tàu Argo Parahyangan thường dừng ở trung tâm thành phố Bandung và Jakarta, trái ngược với tàu cao tốc dừng ở Padalarang và Tegalluar, cách trung tâm Bandung lần lượt khoảng 20 km và 17 km.
Tuyến đường sắt Jakarta-Bandung là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Đông Nam Á và dự kiến sẽ giảm thời gian di chuyển giữa hai thành phố từ 3 giờ xuống còn khoảng 40 phút.
Tham khảo SCMP