Mỹ muốn biến Gruzia trở thành “mặt trận thứ hai” nhằm đối phó Nga, Thủ tướng Gruzia Irakli Kobakhidze nói.
Người biểu tình lập hàng rào chặn lối vào tòa nhà Quốc hội ở Gruzia.
Trong tuyên bố hôm 4/5, ông Kobakhidze nói về việc Mỹ từng ủng hộ “hai cuộc cách mạng” ở Gruzia trong vài năm qua, theo RT.
Một cuộc đảo chính thành công sẽ biến Gruzia thành quốc gia đi đầu ở “mặt trận thứ hai” nhằm đối phó Nga, ông Kobakhidze cảnh báo. Gruzia là quốc gia láng giềng giáp biên giới phía nam của Nga.
Tuyên bố được ông Kobakhidze đưa ra trong cuộc thảo luận gần đây với ông Derek Chollet, cố vấn chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ.
“Hai cuộc cách mạng ở Gruzia giai đoạn năm 2020 – 2023 là do Mỹ bảo trợ. Những người thực hiện nhận được sự hỗ trợ tài chính từ bên ngoài. Nếu thành công, Gruzia khi đó trở thành mặt trận thứ hai chống Nga”, ông Kobakhidze nói.
Thủ tướng Gruzia không cho biết cụ thể các sự kiện nào trong giai đoạn năm 2020 – 2023. Quốc gia láng giềng Nga từng đối mặt với những làn sóng biểu tình quy mô lớn nhằm lật đổ chính phủ nhưng bất thành.
Tháng 11/2020, một cuộc biểu tình lớn nổ ra ở thủ đô Tbilisi của Gruzia sau cuộc bầu cử Quốc hội. Phe đối lập cho rằng có gian lận trong bầu cử và đòi bỏ phiếu lại. Tháng 2/2021, bạo loạn nổ ra sau khi cảnh sát bắt giữ lãnh đạo đảng đối lập vì cáo buộc kích động bạo lực.
Tháng 3/2023, Tbilisi một lần nữa chứng kiến biểu tình quy mô lớn sau khi Quốc hội Gruzia xem xét thông qua dự luật “đặc vụ nước ngoài”. Dự luật yêu cầu các cá nhân và tổ chức nhận trên 20% tài trợ nước ngoài được đưa vào danh sách “chịu ảnh hưởng từ nước ngoài".
Người ủng hộ nói dự luật làm tăng tính minh bạch trong khi những người phản đối nói đây là “phiên bản sao chép của Nga”, đe dọa nền dân chủ ở Gruzia cũng như cản trở tiến trình xích lại gần hơn với phương Tây.
Trước sức ép từ làn sóng biểu tình, dự luật sau đó đã được chính phủ Gruzia rút lại. Kể từ tháng 3 năm nay, dự luật lại được đưa ra xem xét ở Quốc hội Gruzia. Hôm 1/5, thủ đô Gruzia lại chìm trong bạo lực khi người biểu tình cố gắng xông vào tòa nhà Quốc hội và đụng độ với cảnh sát.
“Những tuyên bố sai lệch của giới chức Mỹ về dự luật và những cuộc biểu tình gợi lại cho chúng ta những gì từng xảy ra giai đoạn năm 2020 – 2023”, ông Kobakhidze nói về tình hình hiện nay.
Gần đây, Mỹ đã chỉ trích việc Gruzia tìm cách thông qua dự luật “đặc vụ nước ngoài”. “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về đạo luật này. Nó có thể cản trở tự do ngôn luận”, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, John Kirby nói.
Liên minh châu Âu (EU) ngày 2/5 cũng kêu gọi Gruzia hoãn xem xét thông qua dự luật gây tranh cãi. Giới chức EU nói dự luật sẽ tạo ra rào cản ngăn Gruzia chính thức gia nhập EU.
Đại sứ Mỹ tại Gruzia, Robin Dunnigan cảnh báo quốc gia “đang rời xa phương Tây” với những lựa chọn như hiện nay.
Gruzia là quốc gia từng xảy ra xung đột quân sự kéo dài 16 ngày với Nga vào năm 2008. Ngày nay, quốc gia này duy trì lập trường trung lập, không theo bước phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine.