Là quận có diện tích nhỏ, mật độ dân số đông, UBND quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) đã chủ trương sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non nhỏ lẻ, rà soát quỹ đất, chọn các khu đất còn trống, đất giải tỏa, hoán đổi đất cho các hộ dân để mở rộng, nâng cấp các trường mầm non, tiểu học và THCS…
Quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) là địa phương có tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày thấp nhất với chỉ 75%. Ông Nguyễn Thanh Lịch – Trưởng phòng GD&ĐT quận - cho biết: “Số phòng học được đầu tư xây dựng mới ở quận Liên Chiểu không “đuổi kịp” với tốc độ tăng dân số cơ học. Ngoài Khu công nghiệp Hòa Khánh tập trung số lượng lớn công nhân lưu trú, các khu tái định cư mới dần lấp đầy nhà ở. Các khu nhà ở xã hội đã đầu tư hoàn thiện và đưa vào sử dụng nên dân số cơ học tăng nhanh dẫn đến quá tải ở một số trường học”.
Chính vì vậy, trên cơ sở đề xuất của UBND quận Liên Chiểu, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, thu hồi các khu đất sắp hết thời hạn cho thuê trên địa bàn quận để đầu tư xây dựng bổ sung các trường học.
Dự trữ hay là “treo”?
Dự án đầu tư xây dựng Làng ĐH Đà Nẵng đã được lập vào năm 1996 với quy mô đào tạo đến năm 2010 là 30.000 sinh viên hệ chính quy. Hai địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng đã dành 300ha, trong đó 190ha thuộc huyện Điện Bàn (Quảng Nam) và 110ha thuộc quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) để xây dựng Làng Đại học.
Đây là dự án được dư luận cho là “treo xuyên thế kỷ”. Sau 25 năm quy hoạch treo, 2 năm trở lai đây, dự án Làng Đại học Đà Nẵng (Hòa Quý – Điện Ngọc) đã bắt đầu được “khởi động lại”. Trong số 110ha thuộc địa phận Đà Nẵng, phần diện tích đã được giải phóng mặt bằng bàn giao từ năm 2017 là 38,6ha. Với diện tích còn lại gồm 71,4ha, đã giải phóng mặt bằng được khoảng 40ha.
UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Khu tái định cư phục vụ giải tỏa Làng Đại học với quy mô 12,7ha, tổng mức đầu tư 227 tỷ đồng. Hiện tại, khu tái định cư đang được thực hiện đầu tư xây dựng để phục vụ giải tỏa cho dự án. Ngoài đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu tái định cư trên, Đà Nẵng còn bổ sung thêm quỹ đất từ 6 khu tái định cư đã hoàn thiện khác của thành phố để đáp ứng nhu cầu tái định cư cho dự án.
Tuy nhiên, với Dự án Làng Đại học, phần diện tích thuộc địa phận Quảng Nam là rất lớn, việc giải phóng mặt bằng sẽ khó khăn hơn ở Đà Nẵng, nhất là khu vực thuộc phường Điện Ngọc vốn có mật độ xây nhà cửa rất cao. Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), cho biết, hiện có khoảng 3.600 nhân khẩu đang sinh sống tại khu vực dự án Làng Đại học Đà Nẵng. Thế nhưng, chỉ có khoảng 40% số này có đăng ký tạm trú, tạm vắng, có quản lý nhân hộ khẩu. Địa phương đã tính toán bố trí đất tái định cư đối với đất ở có trong hồ sơ địa chính và ưu tiên mua nhà ở xã hội đối với đối tượng đất ở không có trong hồ sơ địa chính.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc ĐH Đà Nẵng - thông tin: Với diện tích 190ha thuộc địa phận Quảng Nam, chỉ tính riêng chi phí đền bù là hơn 2.000 tỷ đồng. Tại các cuộc họp với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, ĐH Đà Nẵng đã đề xuất tỉnh Quảng Nam xem xét phương án đầu tư xây dựng khu tái định cư phục vụ giải tỏa dự án như cách triển khai của thành phố Đà Nẵng. Theo đó, sẽ sử dụng ngân sách của địa phương và thu hồi tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư cho dân.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc mới đây với Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, đối với dự án Làng ĐH Đà Nẵng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, qua làm việc với ĐH Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam nhận thấy dự án có khả năng thực hiện trên phần đất của thành phố Đà Nẵng. Phần quy hoạch trên đất tỉnh Quảng Nam tập trung rất đông dân cư, không thể đủ kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư, trong khi từ nay đến năm 2030 chưa có nguồn kinh phí để thực hiện.
UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng sạch trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 (theo như khái toán của ĐH Đà Nẵng theo giá hiện nay khoảng 2.023 tỷ đồng/170ha, chưa bao gồm kinh phí xây dựng các khu tái định cư và hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung). Nếu không bố trí được vốn, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh dự án, điều chỉnh quy hoạch để chỉ thực hiện hoàn chỉnh dự án trên phần đất của thành phố Đà Nẵng.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ thông tin: “Theo thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam ngày 6/5, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT, UBND TP Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan tổ chức đoàn công tác để trực tiếp rà soát, đánh giá toàn diện về thực trạng, các khó khăn, vướng mắc của dự án, đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.
Hiện đã có 3 đơn vị sinh hoạt trong dự án Làng Đại học Đà Nẵng gồm: Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng, Khoa Y Dược, với khoảng 4.000 sinh viên đang học tập. Ngoài ra, tòa nhà làm việc của Đại học Sư phạm Kỹ thuật; Tòa nhà của Khoa Y Dược đang được hoàn thiện, dự kiến cuối tháng 4/2022 sẽ bàn giao và đưa vào sử dụng. Đây là 2 tòa nhà thuộc công trình cấp thiết 200 tỷ đồng mà Bộ GD&ĐT đã bố trí vốn.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ khẳng định, ĐH Đà Nẵng sẽ cùng chính quyền 2 địa phương tiếp tục nỗ lực trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Về cơ bản, đến nay, dự án vẫn đang được triển khai như kế hoạch đề ra theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, tiến độ dự án có nhanh hay không, đòi hỏi phải có kinh phí để giải phóng mặt bằng.