(GDTĐ) - Luật Trật tự an toàn giao thông (TTATGT) Đường bộ được triển khai áp dụng từ 01/01/2025 đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo đảm TTATGT. Có nhiều quy định mới được dư luận người tham gia giao thông quan tâm, trong đó có việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô từ 01/01/2026.
Về nội dung này, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông - Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, "Theo quy định của Luật TTATGT Đường bộ, kể từ 01/01/2026, khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em (Điều 10, khoản 3 của Luật)".
PGS.TS Phạm Việt Cường Giám đốc trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế Công Cộng đánh giá liên quan tới chiều cao và cân nặng, một số quốc gia quy định "Hoặc", một số quốc gia quy định "Và". Việt Nam áp dụng quy định VÀ (Khi chở trẻ em dưới 10 tuổi VÀ chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô). Quy định "Và" dễ thực hiện và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam hơn, khắc phục tình trạng trẻ em 10 tuổi đã cao 1.4 m, như vậy thì không cần sử dụng thiết bị an toàn nữa. Điều này giúp giảm các quan ngại về việc trẻ quá lớn không ngồi vừa thiết bị an toàn.
Về mặt kỹ thuật, chiều cao của trẻ có ý nghĩa quan trọng nhất, trong khi độ tuổi dễ tuyên truyền, dễ nhớ dễ hiểu và dễ thực thi nhất. Phụ huynh cơ bản sẽ biết chính xác trẻ em bao nhiêu tuổi, đã đạt ngưỡng 10 tuổi chưa. Chính bởi vậy quy định "Chiều cao và độ tuổi" là quy định rất hợp lý và khả thi.
PGS.TS Phạm Việt Cường đánh giá tiêu chuẩn mà Việt Nam quy định hiện nay có tính hợp lý và thực tiễn cao, (dưới 10 tuổi và dưới 1.35 m) các tiêu chuẩn này được đánh giá là mức trung bình tiên tiến mà thế giới đang áp dụng. Theo Báo cáo an toàn giao thông đường bộ toàn cầu WHO (2023), phần lớn các quốc gia phát triển có quy định rất cụ thể về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô. Tính đến nay, đã có gần 100 quốc gia ban hành luật trẻ em khi tham gia giao thông trên ô tô cá nhân phải sử dụng thiết bị an toàn.
Ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng "quy định này càng trở nên có ý nghĩa tích cực trong bối cảnh số lượng ô tô của Việt Nam đang tăng rất nhanh (hàng năm có tới 400.000 - 500.000 xe ô tô đăng ký mới, lưu lượng xe ô tô trên nhiều tuyến đường chính tăng trên 10% so với năm trước), nhiều tuyến đường mới với chất lượng cao được đưa vào khai thác sử dụng, cho phép tốc độ khai thác cao hơn. "Có thể khẳng định đây là một quy định tiên tiến, một bước tiến lớn trong việc bảo vệ trẻ em trong tham gia giao thông tại Việt Nam".