Quy hoạch mạng lưới cơ sở GD đại học: Sẵn sàng vào cuộc

02/01/2024, 11:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trở thành cơ sở giáo dục trọng điểm quốc gia, nhiều trường đại học có bước chuẩn bị ban đầu về nhiều mặt...

Theo dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050, cả nước có 30 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia. Trong đó, 5 đại học quốc gia, 5 đại học vùng và 18 - 20 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia.

Trở thành cơ sở giáo dục trọng điểm quốc gia, nhiều trường đại học có bước chuẩn bị ban đầu về định hướng tổ chức, cơ cấu ngành nghề, chiến lược phát triển, nghiên cứu khoa học.

Nâng chất đào tạo, nghiên cứu khoa học

Là cơ sở giáo dục đại học công lập có quy mô lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, những năm qua, Trường Đại học Cần Thơ đóng vai trò quan trọng trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước.

Theo dự thảo, bên cạnh Đại học Thái Nguyên sẽ có 4 trường đại học được phát triển thành đại học vùng: Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Tây Nguyên và Trường Đại học Cần Thơ. Các đại học vùng chú trọng nâng cao chất lượng, từng bước mở rộng quy mô đào tạo, tăng tỷ trọng đào tạo sau đại học gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nhất là trong các lĩnh vực, ngành trọng điểm của vùng…

Năm học 2023 - 2024, Trường Đại học Cần Thơ tuyển sinh trên 7.700 sinh viên và hơn 1 nghìn học viên sau đại học. Trường đang đào tạo 84 ngành bậc đại học và 72 chuyên ngành sau đại học (thạc sĩ và tiến sĩ).

Quy mô đào tạo khoảng 40 nghìn sinh viên, học viên. Hằng năm, nhà trường cung cấp cho xã hội khoảng 10 nghìn cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ. Về đội ngũ đào tạo, trường có 18 giáo sư, 163 phó giáo sư, 589 tiến sĩ, 691 thạc sĩ. Đặc biệt, trong nhóm ngành đào tạo Nông - Lâm nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ được quốc tế đánh giá cao, đứng đầu so với các cơ sở giáo dục đại học cả nước.

GS.TS Hà Thanh Toàn - Thường trực Hội đồng trường, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết: Mục tiêu lớn nhất năm học 2023 - 2024 là hoàn thành đề án chuyển Trường Đại học Cần Thơ thành Đại học Cần Thơ. Đồng thời, nhà trường sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, xúc tiến thành lập hai phân hiệu tại tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng.

Theo GS.TS Hà Thanh Toàn, trong đề án này, nhà trường định hướng mô hình tổ chức của đại học công lập đa ngành, lĩnh vực, thực hiện đầy đủ quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình với hệ thống quản lý. Cơ cấu tổ chức hiệu quả cao và năng lực tài chính vững mạnh.

Nhà trường đảm bảo điều kiện tốt nhất cho nâng cao chất lượng đào tạo với chi phí hợp lý nhất; phát triển và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; tăng cường hợp tác trong và ngoài nước để đạt trường đại học đẳng cấp quốc tế. Ngoài ra, Đại học Cần Thơ trong tương lai sẽ hỗ trợ cho sự phát triển, xây dựng mạng lưới các trường đại học vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tương tự, Trường Đại học Nha Trang - một trong những trường đại học công lập có quy mô lớn nhất khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên cũng chuẩn bị những bước chuyển mình, trở thành đại học vùng.

Hiện, Trường Đại học Nha Trang đào tạo trên 15 nghìn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Nhà trường có 36 ngành trình độ đại học, 17 ngành trình độ thạc sĩ, 11 ngành trình độ tiến sĩ. Năm 2023, trường tuyển sinh 3.600 chỉ tiêu ở gần 60 chuyên ngành; trong đó, có 5 chương trình đào tạo đặc biệt bằng song ngữ (chương trình Anh - Việt, 1 chương trình Pháp - Việt), 2 ngành đào tạo theo chương trình Minh Phú - NTU.

Nguồn lực nhân sự cũng là thế mạnh của Trường Đại học Nha Trang với trên 650 cán bộ, giảng viên; trong đó 27 phó giáo sư, 177 tiến sĩ, 329 thạc sĩ. Hơn 30% cán bộ giảng dạy của trường được đào tạo tại các nước phát triển.

Theo TS Quách Hoài Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang, hệ thống chính sách mới của nhà trường khuyến khích hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó ưu tiên phát triển lĩnh vực khoa học công nghệ biển và thuỷ sản. Quy chế và các quy định liên quan về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được ban hành.

Năm học vừa qua, Trường Đại học Nha Trang có 9 hợp đồng chuyển giao công nghệ, tư vấn kỹ thuật với doanh nghiệp được triển khai. Nhà trường xây dựng kế hoạch nâng cấp Tạp chí Thủy sản theo tiêu chuẩn đáp ứng hệ thống trích dẫn Đông Nam Á. Công tác hợp tác quốc tế của trường tiếp tục phát triển, một số dự án được đối tác đầu tư thực hiện trên cơ sở lựa chọn từ thế mạnh vốn có.

Tòa nhà phức hợp Phòng thí nghiệm và tòa nhà Công nghệ cao trong khuôn khổ dự án nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: CTU
Tòa nhà phức hợp Phòng thí nghiệm và tòa nhà Công nghệ cao trong khuôn khổ dự án nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: CTU

Tập trung thế mạnh

Nằm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa - trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, Trường Đại học Nha Trang có thế mạnh các ngành, nhóm ngành khoa học - công nghệ (xoay quanh ưu thế về kinh tế biển) và thủy sản. Tháng 10/2021, Hội đồng trường đã ban hành Nghị quyết về chiến lược phát triển Trường Đại học Nha Trang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó nhà trường phấn đấu nằm trong nhóm các trường dẫn đầu cả nước về lĩnh vực thủy sản; đến năm 2030, trường thuộc nhóm đầu các đại học ở khu vực Đông Nam Á về một số ngành khoa học - công nghệ, thủy sản. Đến năm 2045, nhà trường trở thành đại học có thứ hạng cao tại Việt Nam, thuộc nhóm đầu đại học châu Á ở các ngành này.

Trong lộ trình để trở thành đại học, nhà trường giữ vững chiến lược trên. Theo Phó Hiệu trưởng Quách Hoài Nam, khi quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chính thức ban hành, trường mới có đầy đủ cơ sở pháp lý để trở thành đại học vùng.

Tuy nhiên, chủ trương thành lập đại học vùng trên cơ sở Trường Đại học Nha Trang có từ trước đây, thể hiện qua Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 21/3/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị.

Tháng 11/2023, Hội đồng trường Trường Đại học Nha Trang ban hành Nghị quyết về lộ trình tái cấu trúc bộ máy để chuyển trường thành Đại học Nha Trang. Theo đó, lộ trình tái cấu trúc bộ máy được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2027, nhà trường vận hành theo cơ chế tự chủ tài chính nhóm 2 (tự chủ chi thường xuyên) theo quy định tại Nghị quyết số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ và chuẩn bị điều kiện cần thiết để thành lập các trường thuộc Trường Đại học Nha Trang.

Giai đoạn từ năm 2028 đến năm 2030, nhà trường thành lập và vận hành ít nhất 3 trường thuộc Trường Đại học Nha Trang; dự kiến bao gồm: Trường Thủy sản, Trường Kỹ thuật và Công nghệ, Trường Kinh tế và Kinh doanh. Đồng thời, thực hiện sắp xếp các khoa, viện, phòng để chuẩn bị điều kiện chuyển đổi thành đại học phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng và tỉnh Khánh Hòa.

Tương tự, cách đây hơn một năm, Trường Đại học Cần Thơ có những bước chuẩn bị quan trọng để trở thành đại học khi thành lập 4 trường: Trường Bách khoa, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Kinh tế, Trường Nông nghiệp.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Phương - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Cần Thơ, 4 đơn vị trên được gọi là “trường thuộc Trường Ðại học Cần Thơ”. Việc thành lập trường trong trường giúp việc phân cấp, quyền đẩy mạnh; tăng vai trò chủ động sáng tạo ở các cấp dưới và tạo động lực phát triển đến từng giảng viên. Các trường chuyên ngành sẽ xây dựng chiến lược phát triển gắn với thế mạnh trong việc xác định tầm nhìn, sứ mạng cũng như giữ vững sự liên kết giữa các đơn vị trong trường.

Thành lập “trường trong trường” nên cơ cấu tổ chức và bộ máy của Trường Đại học Cần Thơ có sự thay đổi lớn. Dưới trường chuyên ngành là các khoa theo lĩnh vực khác nhau, không tổ chức bộ môn dưới khoa như trước đây, mà hình thành nhóm chuyên môn (quốc tế thường gọi là các Lab) để tổ chức hoạt động chuyên môn - vốn là xu hướng phổ biến ở trường đại học trên thế giới.

Các trường được thành lập có đội ngũ cán bộ mạnh và hoạt động chuyên môn rộng phù hợp xu hướng nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng và quốc gia. Cơ sở vật chất đáp ứng tốt nhu cầu giảng dạy, học tập và đủ năng lực quản lý.

Sinh viên Trường Đại học Vinh - một trong 5 đại học vùng theo quy hoạch đến năm 2030. Ảnh: VINHUNI
Sinh viên Trường Đại học Vinh - một trong 5 đại học vùng theo quy hoạch đến năm 2030. Ảnh: VINHUNI

Vận động sự hỗ trợ

TS Quách Hoài Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang cho biết, trong kế hoạch phát triển thành đại học vùng, nhà trường sẽ kiến nghị với Chính phủ, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Khánh Hòa một số nội dung cụ thể. Trong đó, kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở để trường xây dựng đề án chuyển Trường Đại học Nha Trang thành đại học.

“Nhà trường cũng mong Chính phủ, Bộ GD&ĐT quan tâm đầu tư, nâng cấp trường để chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết. Ngoài ra, nhà trường sẽ đề nghị tỉnh Khánh Hòa bố trí và có kế hoạch giao đất để trường xây dựng quy hoạch tổng thể và lập các dự án báo cáo Chính phủ, Bộ GD&ĐT đầu tư theo mục tiêu trở thành đại học vào năm 2030”, TS Quách Hoài Nam nói.

Còn theo lãnh đạo Trường Đại học Cần Thơ, không chỉ riêng trường mà tất cả trường đại học, đặc biệt khối công lập, luôn cần sự trợ giúp của Trung ương và địa phương để thực hiện sứ mệnh.

Dù chủ trương tự chủ đại học có nhưng quá trình thực hiện còn một số vướng mắc về quy định pháp luật để các trường có thể chủ động hơn trong hoạt động chuyên môn, tổ chức bộ máy và tạo nguồn lực tài chính… Hiện nay, việc tự chủ đại học, tài chính vẫn là bài toán khó với nhiều trường. Chính sách học phí theo quy định chung và phụ thuộc vào sức chi trả của người học.

Trường Ðại học Cần Thơ đang ở mức tự chủ thứ 2 (tự chủ chi thường xuyên), ngân sách hoạt động phụ thuộc vào nguồn thu học phí, mà học phí trường chưa thể tăng cao. Song, trường được hưởng một số dự án đầu tư cơ sở vật chất lớn từ Nhà nước và hợp tác trong và ngoài nước, nên đáp ứng điều kiện phục vụ đào tạo và nghiên cứu.

Lãnh đạo Trường Ðại học Cần Thơ mong nhận được sự tiếp sức từ Nhà nước thông qua cơ chế về hỗ trợ tài chính, chương trình nghiên cứu khoa học, điều chỉnh các quy định của pháp luật để trường có thể tạo nguồn thu bổ sung chi đào tạo...

Đề án chuyển Trường ĐH Vinh thành Đại học Vinh được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 2021 - 2023: Trường Đại học Vinh chuyển thành Đại học Vinh trên cơ sở kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân sự. Giai đoạn 2023 - 2025: Phát triển Đại học Vinh thành đại học số. Giai đoạn 2025 - 2030: Phát triển Đại học Vinh thành đại học thông minh, từng bước liên kết với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành tổ hợp đại học có đủ nguồn lực để giải quyết những vấn đề lớn của giáo dục đại học trong khu vực và cả nước. Đồng thời, xây dựng trường là Trung tâm Nghiên cứu Đổi mới sáng tạo, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước. Trong đó, năm 2021, Trường ĐH Vinh đã thành lập các trường vệ tinh gồm Trường Sư phạm, Trường Kinh tế, Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện Nghiên cứu và Đào tạo trực tuyến.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quy hoạch mạng lưới cơ sở GD đại học: Sẵn sàng vào cuộc