Quy hoạch mạng lưới trường sư phạm: Tạo chuyển biến từ 'máy cái'

25/11/2023, 17:28
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Muốn đảm bảo thành công quá trình đổi mới giáo dục đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW cần đổi mới cơ chế quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo.

“Từ những phân tích trên, có thể khẳng định vị trí hàng đầu của toàn hệ thống sư phạm trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”, GS.TS Huỳnh Văn Sơn nói. Đồng thời, ông nhận định, xác định Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh trở thành trường đại học sư phạm trọng điểm của cả nước là điều cần thiết.

Nhiều chuyên gia giáo dục tại các hội thảo khoa học về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học cũng đồng quan điểm trên. Theo đó, việc quan trọng nhất để phát triển đội ngũ nhà giáo là xây dựng trường sư phạm, cải cách hệ thống sư phạm với việc hình thành mạng lưới trường và khoa sư phạm. Trong đó, trước mắt, cần xây dựng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh là trường trọng điểm, giữ vai trò định hướng và hỗ trợ tích cực về mọi mặt cho cơ sở đào tạo giáo viên.

Điều đó đã được thực tế chứng minh: Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Nhiều chuyên gia của 2 trường có tầm ảnh hưởng với ngành. Một số nhà khoa học, giảng viên là chủ biên sách giáo khoa, các chuyên gia bồi dưỡng dần xác lập uy tín với nhiều địa phương, quốc gia và khu vực… Để thực hiện thành công công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, tập thể lãnh đạo của 2 trường đều nhận thức rõ nhiệm vụ đổi mới chương trình đào tạo.

Hiện, chương trình đào tạo tại 2 trường sư phạm đều đúng quy chuẩn, nhất quán từ xây dựng đến kiểm định chất lượng. Các trường cũng chủ động xây dựng lại chuẩn đầu ra, trên cơ sở đó phát triển chương trình đào tạo giáo viên theo hướng tiếp cận phẩm chất, năng lực; hoàn thiện chương trình đào tạo bồi dưỡng giáo viên thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình GDPT năm 2018 và rà soát định kỳ.

Ngoài ra, đội ngũ giảng viên chủ chốt của 2 trường cũng được tạo điều kiện tham gia sâu vào quá trình xây dựng Chương trình GDPT năm 2018, viết sách giáo khoa, có cơ hội nghiên cứu kỹ về chương trình. Những việc này giúp trường đi đầu trong quá trình đổi mới và thực hiện tốt công tác đào tạo cũng như bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chương trình mới.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn cho biết thêm, với việc tham gia vào Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh đã có bước phát triển mới. Hai trường được Bộ GD&ĐT đầu tư hệ thống trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin; bồi dưỡng đội ngũ nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo và hỗ trợ đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Quy hoạch lại hệ thống trường sư phạm sẽ khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.(Trong ảnh: Giáo viên tại Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Mạnh Tùng
Quy hoạch lại hệ thống trường sư phạm sẽ khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.(Trong ảnh: Giáo viên tại Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Mạnh Tùng

Tinh gọn mạng lưới, nâng cao chất lượng

Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM nhìn nhận, cần quy hoạch mạng lưới trường sư phạm theo hướng tinh gọn và nâng cao chất lượng. Chương trình GDPT 2018 có nhiều môn học mới được đưa vào giảng dạy, đang trong tình trạng thiếu giáo viên. Trong khi đó, ở nhiều môn học khác, giáo viên lại thừa. Tình trạng thừa - thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương.

Những năm qua, sinh viên sư phạm ra trường khó tìm được việc làm. Có người được tuyển dụng lại xin nghỉ vì công việc quá áp lực, thu nhập thấp. Chưa kể, cách tuyển dụng, bổ nhiệm, thuyên chuyển giáo viên ở nhiều địa phương chưa khách quan, chặt chẽ, dẫn đến tình trạng tiêu cực. Cùng đó, một bộ phận thầy, cô giáo tha hóa về đạo đức, nhân cách, dù rất nhỏ nhưng gây dư luận không tốt với xã hội, phụ huynh và học sinh.

“Muốn giải quyết tận gốc các vấn đề trên, phải xuất phát từ công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Và nguồn gốc, chính là trường sư phạm - nơi đào tạo ra các thế hệ thầy, cô giáo. Do đó, hơn lúc nào hết, cần rà soát, nâng chất lượng hệ thống trường sư phạm”, ông Ngai nói.

Theo đó, việc sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm phải căn cứ vào nhu cầu giáo viên cụ thể của từng địa phương. Sở GD&ĐT tỉnh, thành có nhiệm vụ thống kê, dự báo nguồn nhân lực ngành sư phạm. Từ cơ sở này, các trường sư phạm có cơ sở để lên kế hoạch tuyển sinh, đào tạo cho phù hợp.

Ông Ngai cũng đồng tình việc quy hoạch lại các trường sư phạm theo hướng trường có chất lượng cao, uy tín sẽ được chọn thành trường trọng điểm và xây dựng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh là 2 trường đại học sư phạm trọng điểm. Bởi đây là các trường sư phạm lâu đời, có bề dày kinh nghiệm đào tạo và đội ngũ giảng viên hàng đầu.

Các trường sư phạm khác sẽ trở thành “vệ tinh” cho trường trọng điểm. Tùy quy mô về học sinh, mạng lưới trường học, khoảng 2 - 5 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương mới có một trường sư phạm. “Với trường đại học đa ngành có khoa đào tạo giáo viên, có thể sắp xếp, sáp nhập với trường sư phạm để tập trung nguồn lực, tránh dàn trải. Tất nhiên, việc này phải có lộ trình, tránh sáp nhập cơ học, ảnh hưởng tới tâm lý đội ngũ giảng viên”, ông Ngai đề xuất.

Đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW về hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh đã triển khai công tác chuẩn bị và đạt được kết quả tích cực. Trong đó có thể kể đến: Đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy, phát triển mạnh hình thức dạy học trực tuyến…

“Ngoài ra, trường có chủ trương thành lập các phân hiệu để hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Trường đang hoàn thiện quy trình với sự đồng hành, hỗ trợ của các bên liên quan, hy vọng trong tương lai không xa sẽ có một vài phân hiệu tại khu vực Nam Trung Bộ”, GS.TS Huỳnh Văn Sơn cho biết.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/quy-hoach-mang-luoi-truong-su-pham-tao-chuyen-bien-tu-may-cai-post661597.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/quy-hoach-mang-luoi-truong-su-pham-tao-chuyen-bien-tu-may-cai-post661597.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quy hoạch mạng lưới trường sư phạm: Tạo chuyển biến từ 'máy cái'