Tại hội thảo, đại diện của tập đoàn Noble Hàn Quốc kỳ vọng sẽ được góp sức để xây dựng Mê Linh không chỉ là một thành phố Mê Linh, mà là một “Hà Nội khác”, cận kề với trung tâm. Vị này lấy ví dụ nhiều thành phố lớn của thế giới đều có hai thành phố trung tâm, để thấy đây là một tương lai hoàn toàn có thể xảy ra với Hà Nội, với Mê Linh. Đại diện của tập đoàn Noble cũng cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng cho 4 kịch bản cho quy hoạch của Mê Linh.
Dựa vào lợi thế sẵn có của “thủ phủ” hoa Hà Nội của Mê Linh, đại diện Liên danh công ty Tư vấn xây dựng Ánh Dương gợi ý Mê Linh về giữ làng hoa, nhưng không chỉ là bảo tồn, mà phải đổi mới phát triển, sáng tạo. Hướng tới yếu tố Xanh, thông minh, bền vững, mang tầm quốc tế.
Đồng quan điểm đó, PGS TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề nghị, cần quy hoạch Mê Linh thành Đô thị hoa, biến nông nghiệp Mê Linh thành nông nghiệp đô thị. “Giá trị của hoa ở Mê Linh không chỉ là giá trị của việc bán một bông hoa, mà còn là giá trị du lịch, giá trị văn hóa”, ông Cường nói.
Về việc khai thác giá trị ven sông Hồng, PGS TS Hoàng Văn Cường đề nghị cần tính đến việc phát triển hệ thống phòng chống lũ nhưng vẫn phát triển được dịch vụ.
Cũng liên quan đến yếu tố của vùng đất ven sông với những thuận lợi, khó khăn không dễ giải quyết, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Nguyên KTS trưởng thành phố cho biết, không gian sông Hồng được nghiên cứu từ năm 1992, có rất nhiều dự án về sông Hồng, nhưng rất khó thực hiện. Bởi vướng rất nhiều vấn đề như phòng chống lũ.
Theo vị này, vấn đề ven sông Hồng rất phức tạp, khi quy hoạch cần lựa chọn tiến độ để khai thác. Ông gợi ý Mê Linh có thể nghiên cứu phát triển các bãi ven sông, các khu dân cư ven sông.
Xét tới vị trí của Mê Linh trong bối cảnh của “dòng chảy sông Hồng”, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội kiến trúc sư Việt Nam lưu ý đến yếu tố “nước” trong quy hoạch của Mê Linh.
“Chúng ta sẽ chọn tương lai là đất hay nước? Giá trị thặng dư như thế nào? Có nên chuyển đổi đô thị giá rẻ để xây dựng tương lai, chưa nói tới việc tương lai có bền vững không?”, vị chuyên gia trăn trở.
Theo quan điểm của ông Ánh, công tác quy hoạch cần lưu ý ưu tiên đến không gian của những dòng sông, không gian của nước trong đô thị. “Khi nói đến thành phố thông minh, xanh, sáng tạo… không có gì khó cả. Nhưng quan trọng là nên chọn gì? Thành phố của “bất động sản” hay thành phố của không gian rộng rãi? Chúng ta phải đủ thông minh để chọn thế nào là thành phố thông minh”, vị này nói
Cũng tại hội thảo, TS. Hán Minh Cường, viện trưởng Viện KHCN XD AIST đề nghị, lấy giao thông công cộng làm cơ sở để hình thành hạt nhân phát triển đô thị, sử dụng đất.
Ông Cường cho biết, Hà Nội đã có định hướng cụ thể về phát triển giao thông. Mạng lưới giao thông đã quy hoạch mạch lạc. Trên địa bàn huyện Mê Linh đã có tuyến đường sắt đô thị số 7, Tuyến Monorail, BRT, nhiều tuyến xe buýt… Với mạng lưới giao thông công cộng đó, ông Cường cho rằng có 7 vị trí đầu mối giao thông, hình thành hạt nhân phát triển đô thị. Sau khi đưa ra các đầu mối, sẽ đưa ra định hướng phát triển cho từng mục tiêu.