Tại Cà Mau, vấn đề luôn nóng trong thời điểm năm học mới là thực hiện các khoản thu. Những năm học trước, dù có sự chỉ đạo, nhắc nhở nhưng tình trạng lạm thu, thu sai quy định vẫn xảy ra ở một số trường. Thậm chí, có trường phải trả lại số tiền hàng trăm, hàng tỷ đồng do thu sai quy định.
Năm học 2023 - 2024, vấn đề chống lạm thu được lãnh đạo tỉnh và ngành Giáo dục Cà Mau đặc biệt quan tâm. Theo ông Nguyễn Thanh Luận, Giám đốc Sở GD&ÐT, để phòng ngừa xảy ra, trước tựu trường, Sở nắm tình hình, theo dõi, giám sát và chỉ đạo quyết liệt vấn đề lạm thu. Sở đặc biệt lưu ý các đơn vị, trường học tuyệt đối không để giáo viên, đại diện cha mẹ học sinh đặt ra những nội dung trái quy định nhằm gợi ý, ép buộc phụ huynh đóng góp các khoản thu.
Ông Luận cho biết thêm, đối với các nguồn viện trợ, tài trợ, quà biếu tặng, các đơn vị, trường học phải lập kế hoạch từ đầu năm học và trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Các khoản thu phải được các đơn vị thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến phụ huynh, học sinh và nêu rõ nội dung theo quy định, thỏa thuận.
Lãnh đạo Sở cũng đề nghị bộ phận tài vụ nhà trường thực hiện thu tiền, phát hành biên lai, hóa đơn thu tiền cho từng học sinh; không giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền... Thủ trưởng các đơn vị, trường học chịu trách nhiệm trước pháp luật và giám đốc Sở GD&ĐT nếu để xảy ra tình trạng phát sinh các khoản thu trái quy định tại đơn vị quản lý.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, khoản thu đầu năm học là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm. Do đó, bên cạnh sự chỉ đạo sát sao, kiên quyết chống lạm thu từ ngành Giáo dục, các trường, cơ sở giáo dục đã tính toán, cân nhắc đối với những khoản thu. Sở GD&ĐT và Sở Tài chính cũng sớm có văn bản hướng dẫn liên ngành về việc thu, quản lý, sử dụng kinh phí cho các lớp bán trú trong cơ sở giáo dục, định mức thu, chi trả tiền dạy Tiếng Anh tăng cường cấp tiểu học trên địa bàn...
Đối với các khoản thu chính, các trường chỉ đạo tiến hành thực hiện khi đã ổn định biên chế lớp học, thông báo rộng rãi, công khai và được sự thỏa thuận trên tinh thần tự nguyện, dân chủ, minh bạch với phụ huynh học sinh. Việc thu, chi phải đảm bảo đúng nguyên tắc, nội dung, mục đích và tiết kiệm.
Ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang nghiêm cấm các trường học lợi dụng danh nghĩa khoản thu tự nguyện để thu các nguồn phí ngoài quy định. Cùng đó có chỉ đạo về văn bản, ngành tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các khoản thu đầu năm học; xử lý nghiêm trường hợp phụ huynh phản ánh xảy ra tình trạng lạm thu.
Các nhà hảo tâm cùng địa phương, nhà trường trao học bổng, quà cho học sinh Trường THPT Đầm Dơi (huyện Đầm Dơi, Cà Mau). |
Năm học 2023 - 2024, tỉnh Bạc Liêu công bố tất cả khoản thu đầu năm học. Bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu, cho biết, việc này nhằm minh bạch các khoản thu, đồng thời những khoản thu ngoài quy định phải được phụ huynh chấp nhận bằng văn bản. Ngành Giáo dục đã triển khai lấy ý kiến phụ huynh về các khoản thu. Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh kiên quyết, kịp thời chỉ đạo, vấn đề nêu trên được nhiều hộ dân, gia đình đặc biệt hộ nghèo, viên chức khó khăn hoan nghênh, ủng hộ.
Trước đó, tại Bạc Liêu một số trường yêu cầu phụ huynh đóng góp tiền mua bảng, tivi, máy lạnh, rèm cửa, bảo trì sửa chữa hệ thống nước lọc... Để khắc phục tình trạng trên, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh Bạc Liêu thống nhất quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn, được triển khai thực hiện từ đầu năm học mới.
Theo bà Trần Thị Huỳnh Dao, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu), việc quy định các khoản thu ngoài học phí nhằm tạo cơ sở pháp lý để việc tổ chức thu các hoạt động bổ trợ giáo dục thống nhất, trên cơ sở đó không để xảy ra tình trạng “lạm thu, loạn thu”; đồng thời, nhằm huy động thêm sự đóng góp nguồn lực từ người dân, cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện để học sinh phát triển toàn diện, hạn chế tiêu cực...
Có con đang học tiểu học tại một trường điểm ở TP Bạc Liêu, anh Huỳnh Nhật Hải cho biết: “Đầu năm học, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm có thông báo, chia sẻ rõ ràng với phụ huynh về các khoản thu.
Các khoản thu không quy định mức trần, nhà trường thỏa thuận với phụ huynh có nhu cầu bằng văn bản trên tinh thần tự nguyện, thống nhất mức thu với: Tiền ăn, bồi dưỡng người trực tiếp chăm sóc, mua sắm thiết bị, đồ dùng, dụng cụ học tập, thực hiện chương trình hoạt động giáo dục bổ trợ, tăng cường, bồi dưỡng năng khiếu học sinh ngoài giờ chính khóa…
Chúng tôi đồng tình với chỉ đạo của ngành Giáo dục là ngoài các khoản thu được quy định, trường không thỏa thuận với phụ huynh để thu thêm các khoản thu khác”.
Bà Trần Thị Huỳnh Dao cho biết: Việc quy định các khoản thu ngoài học phí nhằm tạo cơ sở pháp lý để việc tổ chức thu các hoạt động bổ trợ giáo dục được thống nhất, trên cơ sở đó không để xảy ra tình trạng “lạm thu, loạn thu”. Đồng thời, quy định cụ thể như vậy nhằm huy động thêm sự đóng góp nguồn lực từ người dân, cộng đồng trách nhiệm, đồng hành cùng Nhà nước góp phần nâng cao chất lượng giáo dục...