Sau loạt livestream của bà Nguyễn Phương Hằng tố một số nghệ sĩ không minh bạch trong hoạt động từ thiện, đến nay, Bộ Công an và công an một số tỉnh, thành phố đã vào cuộc xác minh, làm rõ.
Các chuyên gia cho rằng khi cơ quan công an đồng loạt vào cuộc rà soát, dư luận sẽ được trả lời câu hỏi có hay không việc biển thủ tiền từ thiện?
Livestream tố hàng loạt nghệ sĩ
Cuối tháng 5, bà Nguyễn Phương Hằng trở thành hiện tượng trên mạng xã hội khi liên tục livestream (phát sóng trực tiếp) để kể các câu chuyện hậu trường showbiz. Chủ đề mà bà Hằng thường xuyên nói đến là tính minh bạch trong vấn đề từ thiện của các nghệ sĩ.
Ngày 25/5, bà Hằng nhắc tới vụ "ngâm 13 tỷ đồng trong 6 tháng" của NSƯT Hoài Linh trong đợt lũ ở miền Trung cuối năm 2020. Theo bà Hằng, sau khi nhận quyên góp số tiền này từ 6 tháng trước, Hoài Linh chưa đi trao cho người dân. Nữ doanh nhân còn cho rằng Hoài Linh đã chi hàng trăm triệu vào việc riêng.
Sau khi buổi livestream phát sóng, nhiều người xem đặt câu hỏi: "Tại sao trì hoãn 6 tháng không giải ngân?", "6 tháng trước không chi, Hoài Linh nên giải thích rõ ràng. Tiền từ thiện không phải thích chi lúc nào thì chi"...
Ngày 3/9, bà Nguyễn Phương Hằng tiếp tục livestream, đề cập chuyện kêu gọi tiền từ thiện miền Trung và nhắc tên các ca sĩ Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng và MC Trấn Thành.
Trong video phát sóng trực tiếp, nữ doanh nhân Bình Dương nói về "giấc mơ sao kê" và cho rằng vợ chồng Thủy Tiên - Công Vinh vận động quyên góp cứu trợ lũ lụt miền Trung cuối năm 2020 và đã nhận được hơn 300 tỷ đồng, không phải hơn 177 tỷ như vợ chồng ca sĩ công bố.
Bà Hằng còn phát ngôn MC Trấn Thành cũng đứng ra quyên góp và nhận được trên 120 tỷ đồng. Đối với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, bà Hằng cũng nói về giấc mơ và cho rằng nam ca sĩ đã nhận hơn 96 tỷ đồng quyên góp từ thiện, cao hơn con số được anh này công khai.
Đáng chú ý, bà Hằng còn thách thức nếu Đàm Vĩnh Hưng đồng ý sao kê tài khoản từ thiện, bà sẽ tặng cho anh ta một viên kim cương.
Nghệ sĩ đã làm gì trước những tố cáo?
Chiều 24/5, sau khi bị nhắc tên, NSƯT Hoài Linh xuất hiện trước công chúng để giải thích lý do vẫn giữ hơn 13 tỷ đồng quyên góp ủng hộ miền Trung. Nghệ sĩ này nói toàn bộ tiền vẫn nằm trong tài khoản riêng dành cho mục đích thiện nguyện đã lập trước đây. Anh đã và đang liên hệ với các địa phương, thiện nguyện đến khi hết số tiền.
Danh hài cho hay mình không "làm gì khuất tất, biển thủ tiền" và mong dịch bệnh sớm đẩy lùi để trực tiếp đến trao tiền cho bà con miền Trung. Hoài Linh cũng xin lỗi vì sự chậm trễ đó.
Cuối cùng, trước phản ứng của dư luận và truyền thông, Hoài Linh và ê-kíp gấp rút giải ngân từ ngày 29/5. Tối 3/6, phía Hoài Linh giải ngân 15,2 tỷ đồng từ thiện.
Đến lượt mình, Thủy Tiên cũng livestream chiều 17/9 tại chi nhánh Vietcombank ở TP.HCM để công khai 18.000 trang sao kê của hơn 177 tỷ đồng mà cô kêu gọi quyên góp. Nữ ca sĩ cho biết cô sao kê từ trước khi kêu gọi 5 ngày và sau khi công bố kết thúc chuyến từ thiện 3 tháng, tức từ ngày 8/10/2020 đến ngày 24/2.
Sau buổi công bố sao kê này, Công Vinh cho biết sẽ kiện những người xúc phạm danh dự 2 vợ chồng anh. Ngày 22/9, đại diện của Thủy Tiên và Công Vinh nói vợ chồng ca sĩ đã nộp đơn tố cáo bà Hằng về hành vi vu khống, xúc phạm nhân phẩm, uy tín.
Về phía Đàm Vĩnh Hưng, sau khi bị bà Hằng tố "ăn chặn tiền từ thiện" và thách thức tung sao kê, nam ca sĩ "thách ngược" người tố cáo công khai giấy tờ sao kê. Nếu không làm được điều đó, anh ta sẽ đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc.
Một nghệ sĩ khác bị bà Hằng tố cáo liên quan đến hoạt động từ thiện là Trấn Thành cũng đã công bố hơn 1.000 trang sao kê trên trang cá nhân ngày 7/9 với số tiền quyên góp hơn 9,6 tỷ đồng.
Rà soát để trả lời câu hỏi có hay không việc ăn chặn
Nói về động thái của cơ quan công an vào cuộc để rà soát, làm rõ số tiền các cá nhân quyên góp từ thiện miền Trung, trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) nhấn mạnh đó là việc làm rất kịp thời.
Ông Hiếu đánh giá thời gian qua, mạng xã hội xuất hiện những thông tin phản ánh các hiện tượng tiêu cực liên quan đến hoạt động từ thiện của một số người nổi tiếng, khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Điều này đòi hỏi phải có hoạt động điều tra xác minh, làm rõ những tin đồn đó có căn cứ hay không.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng nhận được đơn trình báo, tố giác tội phạm liên quan đến vấn đề này. Do đó, trước yêu cầu, mong mỏi của dư luận về tính minh bạch trong hoạt động từ thiện, cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc là hoạt động bình thường, theo quy định của pháp luật và rất cần thiết.
Theo trung tá Đào Trung Hiếu, cơ quan công an rà soát số tiền từ thiện giúp giải tỏa những nghi ngờ, bức xúc của dư luận trước thông tin cáo buộc một số cá nhân lợi dụng việc kêu gọi tiền từ thiện nhằm trục lợi.
"Xác minh làm rõ trắng đen, thực hư xung quanh các cáo buộc, giúp giải oan cho người vô tội hoặc trừng trị thích đáng người có tội. Điều đó còn nhằm chấn chỉnh hoạt động từ thiện, loại trừ những hiện tượng biến tướng, tiêu cực, răn đe kẻ bất lương có ý định trục lợi", chuyên gia tội phạm học nhìn nhận.
Cùng chia sẻ góc nhìn, đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng sự vào cuộc của Bộ Công an là động thái rất phù hợp, nhất là trong thời điểm dư luận đặt nhiều hoài nghi về số tiền nhận - trao cho đồng bào gặp khó khăn. Theo ông, dư luận không thể chấp nhận để cho ai đó lợi dụng hình ảnh, uy tín cá nhân đứng ra quyên góp tiền của các nhà hảo tâm để thu lời bất chính.
Vị đại biểu nhìn nhận mục đích cơ quan công an thụ lý xác minh số tiền từ thiện miền Trung là để trả lời cho công luận câu hỏi vốn âm ỉ từ bấy lâu nay: Có hay không chuyện ăn chặn, biển thủ tiền?
Theo đại biểu này, trong các hoạt động thiện nguyện, dù không có cá nhân nào tố cáo trên mạng xã hội hoặc gửi đơn thư thì cơ quan chức năng hoàn toàn vẫn có thể vào cuộc khi nắm bắt được việc sử dụng tiền tài trợ sai mục đích hoặc ai đó có hành vi chiếm đoạt tiền.