Ảnh: Trường Giang - Bệnh viện Nhi Trung ương
Tại đây, trẻ có các biểu hiện: sốt, mệt, da vàng sạm, củng mạc mắt vàng, phù 2 mí mắt, bụng chướng, suy gan - thận, suy hô hấp, vô niệu. Trẻ tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị trong tình trạng bóp bóng qua nội khí quản. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ được chẩn đoán: nhiễm khuẩn huyết, suy chức năng đa cơ quan.
Trẻ được điều trị tích cực: Hỗ trợ hô hấp, chống sốc, kháng sinh phổ rộng, lọc máu liên tục, chăm sóc tích cực. Mặc dù đã được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng trẻ không đáp ứng điều trị và tử vong sau 01 ngày nằm viện.
PGS.TS Tạ Anh Tuấn - Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết, biện pháp chữa bệnh cho trẻ bằng cách dùng dao lam nặn (hoặc rạch) lấy máu… để chữa bệnh cho trẻ là phương pháp hoàn toàn không có tính khoa học, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ tuyệt đối không nên làm những điều này.
Vì khi thực hiện phương pháp như vậy vừa không hiệu quả, vừa làm nguy hiểm tính mạng của trẻ do mất máu, hàng rào vi khuẩn tự nhiên của cơ thể bị phá hỏng khiến vi khuẩn xâm nhập trực tiếp vào cơ thể gây nhiễm trùng máu. Đồng thời, việc làm này làm trì hoãn việc đưa trẻ đến bệnh viện và mất đi thời gian vàng để cứu sống trẻ.
Các bác sĩ khuyến cáo, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hoặc các phương pháp chữa bệnh nào cho trẻ, cha mẹ cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ. Cha mẹ không nên vì quá sốt ruột mà nghe những lời mách bảo, quảng cáo về các loại thuốc không rõ nguồn gốc, phương pháp điều trị bệnh phản khoa học khiến trẻ gặp nhiều biến chứng khôn lường, thậm chí tử vong. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu bất thường, việc quan trọng nhất cha mẹ nên làm là nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.