Rèn luyện nhân cách học trò từ văn hóa ứng xử

Đức Trí | 03/10/2022, 07:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách, văn hóa ứng xử học trò, giáo dục lối sống có hoài bão, lý tưởng cao đẹp.

Nhà trường đẩy mạnh giáo dục nhân cách

Tại Trường Tiểu học Thị trấn Hương Sơn (Phú Bình, Thái Nguyên) luôn giáo dục cho học sinh tinh thần tôn trọng lẽ phải, tôn trọng những người xung quanh; Cùng đó dạy học sinh biết dũng cảm nhận lỗi và sửa lỗi, trung thực trong học tập và thi cử, chân thành trong mọi mối quan hệ… “Tất cả những phẩm chất ấy góp phần vào việc hình thành nhân cách trong sáng, hướng thiện ở học sinh…”, cô Vũ Thị Thanh, Hiệu trưởng trao đổi.

Cô Thanh cũng cho biết: Trường nằm ở trung tâm huyện với tốc độ phát triển dân số nhanh, có sĩ số khá đông với trên 1.400 học sinh. Song không vì thế sự quan tâm của thầy cô, nhà trường với học sinh chỉ đặt nặng giáo dục kiến thức, mờ nhạt rèn luyện đạo đức lối sống học sinh từ khi còn nhỏ.

Với phương châm “Lấy học sinh làm trung tâm của hoạt động giáo dục”, nhiều năm qua, song song với việc nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường luôn chú trọng đến công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho học sinh.

Minh chứng cho điều này, cô Vũ Thị Thanh chia sẻ: Năm học vừa qua vô cùng đặc biệt khi giáo viên, học sinh phải đối diện, ứng phó dịch bệnh. Nhưng không chỉ dừng lại ở tổ chức các hoạt động thích ứng an toàn trong phòng chống đại dịch trường đã chú trọng giáo dục lí tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và văn hóa ứng xử cho học sinh qua các tiết sinh hoạt trực tuyến, tổ chức một số cuộc thi ngắn hạn qua mạng, các trò chơi tìm hiểu văn hóa nói chung trong đó chú trọng văn hóa ứng xử...

“Xây dựng văn hóa ứng xử được quan tâm đặc biệt vì vậy ngay khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thầy cô đã phát huy hiệu quả hoạt động các nhóm zalo để trao đổi thông tin tình hình học tập của học sinh, nâng cao ý thức văn hóa trên môi trường không gian mạng, chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học… Tất cả đã tạo nên sự gần gũi thân thiện, không khí trong các lớp học. Văn hóa ứng xử đã giúp học trò phát triển toàn diện cả kiến thức và đạo đức, văn hóa…”, cô Vũ Thị Thanh khẳng định.

Bản thân hiệu trưởng, đội ngũ giáo viên… cũng luôn trau dồi lí tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử. Để mỗi nhà giáo là một tấm gương mẫu mực, nhà trường đã phát động phong trào thi đua xây dựng ngôi trường văn hóa, mà điều quan tâm nhất là đạo đức nhà giáo trong giảng dạy và trách nhiệm xã hội.

Đồng thời, trường yêu cầu mỗi thầy cô cùng thay đổi vì một “Ngôi trường hạnh phúc”, để học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui, phụ huynh đến trường cũng coi đây như ngôi nhà thứ hai của con em mình.

Tại trường Tiểu học Khánh An (Yên Khánh, Ninh Bình), cô Lại Ánh Hường, Hiệu trưởng cho biết: Giáo dục văn hóa, lối sống học trò được tích hợp trong các tiết học đạo đức. Trường đặt ra yêu cầu giáo viên phải tạo ra không khí vui vẻ, sôi động không cứng nhắc khô khan nhưng mang tính giáo dục cao. Thông qua đó thuyết phục học trò nói và làm theo gương người tốt việc tốt cụ thể.

Ngoài ra, tùy theo chủ đề, chủ điểm hàng tháng, học sinh được giáo dục về an toàn giao thông; phòng, chống bạo lực học đường, đuối nước; phòng, chống xâm hại trẻ em; tìm hiểu về ý nghĩa lịch sử của các ngày lễ lớn trong năm...

Rèn luyện nhân cách học trò từ văn hóa ứng xử ảnh 1

Văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách học trò.

Những nội dung giáo dục văn hóa ứng xử, đạo đức, lối sống được khéo léo lồng ghép trong các tiết sinh hoạt lớp, chào cờ đầu tuần, hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm… hoạt động chăm sóc, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, tổ chức thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, có công với cách mạng, hoạt động đi tìm địa chỉ đỏ, hành trình về nguồn…

Tại trường THPT số 1 Bắc Hà (Bắc Hà, Lào Cai), qua hoạt động trải nghiệm học sinh được giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn các thế hệ đi trước, lòng tự hào dân tộc, giúp hình thành ý thức phấn đấu trong học tập, tu dưỡng để xứng đáng với sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha ông đi trước.

Hơn thế, tạo điều kiện cho học trò có khuôn viên, sân chơi thật sự bổ ích, nhà trường còn tổ chức các hoạt động vui chơi thể dục, thể thao, múa hát tập thể, các hoạt động trải nghiệm, các Hội thi do Hội đồng Đội cấp trên tổ chức. Được tham gia hoạt động văn hóa học sinh đã quen dần với nề nếp chuẩn mực trong học tập đến vui chơi, tích cực tham gia vào các hoạt động tập thể.

Thậm chí, Tổng phụ trách Đoàn còn chủ động xây dựng các kế hoạch và tham mưu với Ban giám hiệu nhà trường tổ chức tốt hoạt động ngoài giờ lên lớp, trải nghiệm cho học sinh. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể, với giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh thực hiện tốt nền nếp trong quá trình học tập…

Bồi đắp để phát triển toàn diện

Anh Dương Viết Trọng, có 2 con đang học tại trường Tiểu học Thị trấn Hương Sơn (Thái Nguyên) bày tỏ niềm tin vào sự tận tụy, trách nhiệm của thầy cô, nhà trường: “Tôi chưa mơ ước lớn lao con mình giỏi giang, xuất chúng, chỉ mong con ngoan ngoãn, có kỹ năng sống, có văn hóa ứng xử, đạo đức… để trở thành người có ích cho xã hội. Con học tại trường, gia đình toàn yên tâm với sự bảo ban, dìu dắt tận tình của các thầy, cô và nhà trường…”.

Đồng thời đánh giá cao vai trò giáo dục đạo đức, lối sống của nhà trường khi thầy cô giáo đã có nhiều đổi mới trong phương pháp giáo dục. Học sinh không chỉ được hình thành nhân cách, văn hóa lối sống từ những tiết học lý thuyết mà các hoạt động ngoại khóa, tham quan, hướng về nguồn cội đầy ý nghĩa… cũng được tổ chức an toàn, hiệu quả và không tốn kém.

Rèn luyện nhân cách học trò từ văn hóa ứng xử ảnh 2

Giáo dục đạo đức, lối sống cần tiến hành song song với giáo dục kiến thức.

Chị Hà Hồng Gấm, phụ huynh có con học lớp 2 Trường Tiểu học Khương Thượng (Đông Đa, Hà Nội) bày tỏ niềm tin vào giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh từ khi còn nhỏ. Theo chị Gấm: “Từ bài học ở trường, các con đã trở thành người khiến cha mẹ phải thay đổi cách hành xử, ý thức hành vi văn hóa hơn ở nơi công cộng. Ví dụ việc tham gia giao thông luôn tuân thủ đội mũ bảo hiểm dù di chuyển một khoảng cách ngắn; không xả rác nơi công cộng, hạn chế các đồ dùng bằng nhựa, nilon để bảo vệ môi trường…”.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học là việc làm cấp bách, có ý nghĩa đặc biệt đối với học sinh trong độ tuổi Tiểu học, và từ học sinh lớp 1 khi các em còn là những “trang giấy trắng”. Học sinh cần được bồi đắp những điều hay, lẽ phải và kỹ năng cơ bản để các em hình thành nhân cách tốt, lối tư duy tích cực, tự tin, mạnh dạn trong xử lý các tình huống gặp phải… - chị Gấm bày tỏ quan điểm.

“Rèn luyện đạo đức, văn hóa ứng xử cho học sinh khi đến trường từ đó kịp thời phòng ngừa, chấn chỉnh những hành vi lệnh chuẩn, hoàn thiện mối quan hệ lành mạnh giữa học sinh với học sinh; học sinh với thầy cô; học sinh với cha mẹ… là việc không thể thiếu hoặc xem nhẹ. Hiệu quả từ giáo dục đạo đức, lối sống mà các nhà trường đạt được cho thấy công tác này phải không ngừng đổi mới, hướng tới hiệu quả thực, tránh sáo rỗng…”, cô Đinh Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên trao đổi.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rèn luyện nhân cách học trò từ văn hóa ứng xử