ThS Tiền Tiến Nam giải thích, đầu tiên nguyên liệu sẽ được đưa vào bồn lên men qua cửa nạp liệu. Sau khi được đưa vào, trong thùng lên men sẽ xảy ra các quá trình chuyển hoá phức tạp, mà trung tâm là quá trình chuyển hoá đường thành rượu và CO.
Khi trong thùng lên men đã tạo ra một lượng lớn rượu, lúc này nhóm sẽ tiến hành khởi động bơm hoàn lưu rượu vang non. Rượu vang non lúc này theo ống dẫn sẽ được đưa đến cơ cấu phun đều rượu nhằm để tiến hành hồi rượu lại thùng, mục đích để nâng cao hiệu suất trích ly.
Đồng thời lúc này, nhiệt độ, pH, Bx… của quá trình lên men vẫn tiếp tục được theo dõi sát bằng cách mở van thu hồi vang non và lấy ra một ít mẫu để đo. Sau khi đóng van lại, rượu vang non sẽ được thu hồi, còn bã sẽ được đưa ra ngoài.
Trong quá trình ủ, rượu vang non được chuyển vào thùng chứa lên men phụ qua van nạp liệu, sau đó rượu được chứa trong thùng này và thực hiện phản ứng chuyển hoá, kết lắng, sau cùng là cho ra rượu thành phẩm.
Cũng theo ThS Tiền Tiến Nam, trong suốt quá trình lên men chính, các chỉ số như sự gia tăng của độ cồn, biến động mật độ nấm men, biến động của các chỉ số đường tổng, đường khử, Bx, pH… đều được phân tích, đo đạc chi tiết và cẩn thận.
Kết quả đo đạc, phân tích sau đó được đem đi xử lý bằng phần mềm xử lý thống kê. Dựa trên các biểu đồ kết quả thu được, nhóm nghiên cứu sẽ lựa chọn ra được chủng nấm men, độ pH, Bx, nhiệt độ lên men, thời gian lên men phù hợp nhất cho sản phẩm.
Thanh long là loại quả ít hao hụt khi vận chuyển và có giá trị thương phẩm cao ở dạng quả tươi nên có thể tận dụng những quả có chất lượng, hình thức không cao, quả nhỏ để sản xuất nước uống.
Giải pháp công nghệ này có thể ứng dụng tại các vùng nguyên liệu với quy mô sản xuất từ vừa và nhỏ tới nhà máy công nghiệp tùy sản lượng từng vùng. Đây cũng là cách để triển khai đồng bộ các biện pháp kỹ thuật từ sản xuất đến bảo quản, chế biến sau thu hoạch và tạo ra chuỗi liên kết giá trị của thanh long ruột đỏ.